Trong khi ngân hàng dịch chuyển sang bán bảo hiểm sức khoẻ qua kênh bảo hiểm phi nhân thọ, các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ cũng không còn quá mặn mà với bancassurance do điều kiện kinh doanh đã không còn như trước.
Techcombank và Manulife Việt Nam chính thức dừng hợp tác phân phối sản phẩm bảo hiểm nhân thọ qua kênh ngân hàng (bancassurance) từ ngày 14/10 gây chú ý.
Việc chấm dứt sớm 8 năm hợp đồng có kỳ hạn 15 năm, Techcombank chấp nhận bồi thường cho đối tác 1.800 tỷ đồng. Theo đại diện của ngân hàng, việc chấm dứt hợp tác là do những thay đổi về điều kiện kinh doanh bảo hiểm.
Cùng với đó, Techcombank quyết định đóng góp 11% (55 tỷ đồng) để lập CTCP Bảo hiểm Phi nhân thọ Techcom (TechcomInsurance), có vốn điều lệ 500 tỷ đồng, dự kiến đi vào hoạt động kể từ giữa tháng sau.
Năm 2023, Ngân hàng An Bình (ABBank) từng tiết lộ đã phải chi 240,4 tỷ đồng cho Bảo hiểm FWD, để chấm dứt hợp tác vào năm 2022, dù thời hạn đến năm 2031. Năm 2022, doanh thu từ hoạt động bảo hiểm của ABBank thấp chưa từng có, chỉ đạt 4,5 tỷ đồng, giảm 88,9%.
Ngay sau khi đường ai nấy đi, ABBank công bố ký hợp đồng hợp tác chiến lược với BHNT Dai-ichi Việt Nam. Câu chuyện trên đã chứng minh không có đối tác vĩnh viễn, chỉ có lợi ích là vĩnh viễn.
Trở lại trường hợp Manulife Việt Nam, cho dù “ông lớn” trong ngành bảo hiểm này đang nỗ lực lấy lại niềm tin của khách hàng, đặc biệt là việc ứng dụng công nghệ mới vào quy trình bán bảo hiểm, giúp mọi thứ trở nên minh bạch hơn. Tuy nhiên, doanh nghiệp này lại đang gặp bất lợi trong kênh bancassurance.
Từ năm 2015 đến nay, công ty lần lượt có các đối tác phân phối bảo hiểm là Ngân hàng SCB (2015), Techcombank (2017), và VietinBank (2020).
Bancassurance từng giúp Manulife Việt Nam dẫn đầu thị trường về dịch vụ này. Đến nay, dù chưa từng chính thức công bố dừng hợp tác với SCB, nhưng trên website của Manulife Việt Nam cho thấy, hiện đối tác ngân hàng chỉ còn duy nhất VietinBank với thoả thuận kéo dài 16 năm.
Không công bố chi tiết doanh thu từ dịch vụ bán bảo hiểm, Techcombank cho biết, 9 tháng đầu năm 2024, thu nhập từ phí dịch vụ gần 8.300 tỷ đồng, chủ yếu đến từ phí dịch vụ ngân hàng đầu tư và phí bảo hiểm. Điều này cho thấy ngân hàng vẫn liên hết khai thác bảo hiểm hiệu quả trong giai đoạn khó khăn nhất của thị trường BHNT.
Lần gần đây nhất Techcombank công bố phí hoa hồng từ các hợp đồng bảo hiểm nhận từ Manulife trong năm 2022 là 1.750 tỷ đồng, tăng 12,34% so với năm 2021.
Xét về doanh thu từ mảng bancassurance, dù không chính thức công bố con số cụ thể, nhưng theo đại diện Ngân hàng Quân đội (MB), đến cuối quý II/2024, MB đã vươn lên vị trí số 1 thị trường về mảng này, trong khi cùng kỳ năm ngoái chỉ đứng Top 5.
MB hiện sở hữu trực tiếp 2 công ty bảo hiểm là Bảo hiểm Quân đội – MIC (bảo hiểm phi nhân thọ) và Bảo hiểm Nhân thọ MB Ageas. Hai công ty này đóng góp khoảng 20% lợi nhuận trước thuế mỗi năm cho lợi nhuận hợp nhất của MB.
Bancassurance: Liệu có còn ngon?
Mô hình ngân hàng trực tiếp sở hữu công ty bảo hiểm phi nhân thọ đang dần trở thành xu hướng. Như, VPBank, ngoài việc là đối tác độc quyền của BHNT AIA Việt Nam, tháng 11/2022, ngân hàng hoàn tất thâu tóm Bảo hiểm OPES (doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ) thông qua việc sở hữu 98% vốn điều lệ.
Ngân hàng LPBank chính thức tiếp nhận Bảo hiểm Xuân Thành từ tháng 2/2024 và đổi tên thành Bảo hiểm LPBank.
Techcombank góp vốn 11% thành lập Công ty Bảo hiểm phi nhân thọ Techcom (TCGIns).
Ngoài ra, các ngân hàng lớn như Agribank, BIDV, VietinBank, Vietcombank,… đều sở hữu một công ty bảo hiểm phi nhân thọ.
Kết luận thanh tra được Bộ Tài chính công bố tháng 7/2023 đối với 4 doanh nghiệp BHNT qua kênh bancassurance (Prudential, MB Ageas, BIDV Metlife và Sunlife) cho thấy, kênh phân phối bảo hiểm qua ngân hàng chiếm tới 50% số lượng hợp đồng và doanh thu phí BHNT mới. Tuy nhiên, do bị ép buộc nên sau năm đầu tiên, tỷ lệ huỷ hợp đồng của khách hàng lên đến 70%.
Một chuyên gia bảo hiểm cho biết, không dễ để ngân hàng tự mình bán BHNT bởi cần hệ thống vận hành, thẩm định rất phức tạp. Bản thân các công ty BHNT cũng không còn mặn mà với việc phân phối sản phẩm qua kênh ngân hàng.
“Trước đây, các công ty BHNT bất chấp ký với ngân hàng để giành thị phần nên trả phí hoa hồng cao, dẫn đến hợp đồng không chặt chẽ, thậm chí không có ràng buộc về KPI cho ngân hàng. Giờ đây, điều kiện kinh doanh đã thay đổi, Luật Kinh doanh bảo hiểm cũng thay đổi, nên doanh nghiệp nào muốn hợp tác với ngân hàng sẽ phải xem xét rất kỹ điều khoản về KPI.
Nhưng nếu áp điều khoản này trong bối cảnh tỷ lệ duy trì sau một năm thấp như hiện nay, sẽ chẳng ngân hàng nào dám ký, trừ khi doanh nghiệp chấp nhận chịu thiệt về mình”, chuyên gia nêu quan điểm.
Trao đổi với VietNamNet, một chuyên viên ngân hàng cho biết, sản phẩm bảo hiểm sức khoẻ đem lại lợi nhuận cho ngân hàng không thua kém so với BHNT. Nhiều khách hàng mua BHNT qua ngân hàng sau một năm sẽ tự động bỏ giữa chừng.
“Việc ngân hàng bán bảo hiểm sức khoẻ không khác gì tự mình đi thu tiền lẻ. Với BHNT, ngân hàng có thể nhận về một lúc hàng nghìn tỷ đồng hoa hồng trả trước. Việc nhận về một lúc 5.000 tỷ đồng hoa hồng trả trước 10 năm, chắc chắn sẽ hấp dẫn hơn nhiều so với việc ngân hàng ép KPI cho 5.000 nhân viên mỗi tháng phải mang về 10 triệu đồng/người phí bảo hiểm sức khoẻ”, chuyên viên này phân tích.
Nguồn: vietnamnet.vn
- Sài Gòn Center và Ngân Hàng Vietinbank TP.HCM ký thoả thuận hợp tác cho khách hàng vay mua nhà dự án Green Valley City
- Một năm kinh tế nằm ngoài dự liệu của Fed
- Top 8 game bắn súng tọa độ hay nhất hiện nay (Cập nhật 2021)
- Thị trường bất động sản hồ hởi chuẩn bị đón dòng vốn lớn đổ mạnh?
- Hướng dẫn 3 cách tải ảnh trên iCloud về máy tính (Update 2021)
- Cách đăng tải, upload video lên Youtube bằng Máy tính và Điện thoại 2020
- “Gỡ rối” cho thị trường bất động sản