Temu thưởng tiền để hút người dùng tại Việt Nam. Nhiều nước cảnh báo chất lượng hàng hóa trên Temu. Chuyên gia nêu những rủi ro nếu như người dùng bất chấp sử dụng mà không tìm hiểu kỹ.
Trao đổi với phóng viên Dân trí tối 24/10, người phát ngôn của Temu xác nhận sàn thương mại điện tử xuyên biên giới này đã thâm nhập thị trường Việt Nam từ cuối tháng 9. Website và ứng dụng Temu đều đã có sẵn phiên bản tiếng Việt.
Ở giai đoạn đầu tại Việt Nam, đại diện phát ngôn của sàn thương mại điện tử này cho biết trọng tâm chính của Temu là tìm hiểu sở thích và nhu cầu của người tiêu dùng địa phương.
Trước đó, từ cuối tháng 9, thị trường thương mại điện tử xôn xao thông tin “ông lớn” này bắt đầu có động thái thâm nhập vào Việt Nam. Song thời điểm đó, phiên bản website Temu Việt Nam khá thô sơ, chỉ có tiếng Anh (không có tiếng Việt).
Tuy nhiên, chỉ sau khoảng hơn một tuần, website hay ứng dụng của sàn này đã chính thức ra mắt phiên bản tiếng Việt. Temu cũng bắt đầu quảng cáo rầm rộ trên các nền tảng mạng xã hội để tiếp cận người dùng Việt, đặc biệt là Facebook với loạt thông báo “mừng khai trương giảm giá đến 90%” và nhiều ưu đãi khủng như gói giảm giá trị giá 490.000 đồng cho tất cả người dùng Việt…
Mạnh tay giảm giá “khủng”, trả hoa hồng cao để tiếp cận người Việt
Bên cạnh đó, “gã khổng lồ” thương mại điện tử này cũng khai trương chương trình tiếp thị liên kết (affiliate marketing) – hình thức quảng bá sản phẩm nhận hoa hồng dựa trên đường dẫn (link) tại thị trường Việt Nam từ ngày 22/10. Đáng chú ý, mức hoa hồng mà sàn thương mại điện tử này đưa ra được đánh giá là “rất hấp dẫn”.
Tải ứng dụng và đăng ký chương trình này, người dùng sẽ có ngay 50.000 đồng. Nếu giới thiệu một người dùng tải ứng dụng và tham gia chương trình tiếp thị liên kết, khách sẽ nhận được tiền thưởng 150.000 đồng. Như vậy, giới thiệu 10 người sẽ nhận được 1,5 triệu đồng.
Ngoài ra, Temu cũng đã giới thiệu mô hình hoa hồng nhiều cấp để khuyến khích nhiều người dùng tham gia hơn. Khi một thành viên mới tham gia và mua hàng thông qua một đường link cụ thể, người giới thiệu sẽ được số tiền nhất định và cả người giới thiệu bậc trên cũng được nhận thêm 20% hoa hồng.
Hoa hồng cho mỗi mặt hàng bán được ở mức cao, dao động 10-30%. Cụ thể, tiền hoa hồng được tính dựa theo khoản thanh toán thực tế của giao dịch. Với một đơn hàng dưới 1,24 triệu đồng, người giới thiệu được hưởng 10%; đơn hàng 1,25-2,49 triệu đồng, được hưởng 20% và đơn hàng từ 2,5 triệu đồng trở lên người giới thiệu sẽ được hưởng 30%.
Con số này cao hơn tỷ lệ hoa hồng của các sàn thương mại điện tử như Shopee, Lazada, do đó đã tạo ra làn sóng bàn luận, chia sẻ link giới thiệu khắp các diễn đàn, cộng đồng mạng xã hội mấy ngày qua.
Anh Trần Minh (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho biết sau khi giới thiệu Temu và link tải ứng dụng, anh đã có khoảng 2 triệu đồng tín dụng, chờ quy đổi về ví Temu là có thể sử dụng mua hàng trên sàn thương mại điện tử này. “Hầu như ai cũng có thể tham gia chương trình tiếp thị liên kết của sàn này nên nhờ vậy Temu sẽ tiếp cận đến nhiều người dùng Việt, tạo nên cơn sốt trong hơn một tuần trở lại đây”, anh nói.
Nhiều người trong giới làm Make Money Online – MMO (kiếm tiền online) cho biết đây là một nền tảng mới do đó sàn sẽ chi rất mạnh tay để quảng bá sàn đến nhiều người dùng Việt.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia thương mại điện tử, việc nhiều người chia sẻ link giới thiệu tham gia chương trình Temu affiliate có thể bị lợi dụng để lừa đảo bằng cách chèn hoặc thay link có gắn mã độc nhằm đánh cắp thông tin, chiếm đoạt tài sản.
Hàng hóa trên Temu có rẻ?
Tò mò trước sự xuất hiện của “ông lớn” Temu tại Việt Nam, chị Thu Trang (quận Đống Đa, Hà Nội) đã thử đặt một đơn hàng ở sàn thương mại điện tử này. “Tôi đặt 4 chiếc áo thun trơn cổ tròn ngắn tay giá 540.000 đồng, tương đương khoảng 135.000 đồng/chiếc. Mức giá này cũng không rẻ so với mẫu tương tự Shopee hay Lazada”, chị nói.
Sau khoảng 5 ngày, chị nhận được đơn hàng và cảm thấy khá thất vọng vì chất vải khá thô, màu sắc không đẹp như hình mô tả. “Sau đó, tôi đã nhấn trả hàng và đóng gói gửi đến bưu cục Best Express gần nhà, Temu cũng thông báo đã hoàn tiền vào tài khoản Google Pay ngay sau khi đơn vị vận chuyển tiếp nhận đơn hoàn”, chị kể.
Thực tế, không chỉ chị Trang, một số người dùng cũng đánh giá các sản phẩm kinh doanh trên Temu, không hề rẻ như quảng cáo, đa phần là mẫu không thương hiệu và chất lượng khá tệ, các sản phẩm được giao chỉ đạt về hình thức khoảng 60%.
Tài khoản Viet Le chia sẻ anh mua món hàng trên Temu giá 121.000 đồng sau khi đã dùng mã giảm giá hơn 700.000 đồng. Nhưng khi tìm kiếm ở sàn thương mại điện tử Shopee thì sản phẩm tương tự có giá chỉ 105.000 đồng đã bao gồm phí vận chuyển.
Hàng loạt quốc gia cảnh báo chất lượng hàng hóa trên Temu
Thậm chí, nhiều quốc gia đã phát hiện chất cấm trong sản phẩm bán ra trên sàn thương mại điện tử này. Cụ thể, hồi tháng 8, AFP đưa tin cơ quan chức năng Hàn Quốc đã phát hiện giày dép kinh doanh ở Temu được phát hiện có hàm lượng chất độc hại cao gấp hàng trăm lần mức cho phép.
Cụ thể, đế giày sandal bán trên trang thương mại điện tử này chứa hàm lượng chì cao gấp 11 lần mức cho phép theo quy định. Sau đó, người phát ngôn Temu cho biết sau khi nhận được thông báo, doanh nghiệp đã tiến hành điều tra nội bộ.
Đại diện sàn này khẳng định đã nhanh chóng loại bỏ các sản phẩm này khỏi thị trường toàn cầu và hướng dẫn người bán đảm bảo tuân thủ các tiêu chuẩn an toàn và quy định của địa phương, theo Business Insider.
Theo ABC News, mới đây, một nhóm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng ở Australia đã phát hiện một số sản phẩm của Temu nguy hiểm khi sử dụng. Theo đó, cơ quan này đã mua và thử nghiệm ngẫu nhiên 15 món đồ chơi từ Temu, hầu hết đều có nguy cơ gây chết người từ đồng xu và pin cúc áo.
Các sản phẩm đều không đạt yêu cầu kiểm tra an toàn theo quy định của Australia như máy chiếu camera, đồng hồ trẻ em, đèn LED và váy Tutu phát sáng. Những lỗi an toàn chính là pin dễ tháo rời, ốc vít lỏng lẻo và nhãn mác không đầy đủ.
Trước đó, vào tháng 5, nhóm người tiêu dùng tại Anh cũng phát hiện mối nguy hiểm trong máy sưởi kinh doanh trên Temu. Các mẫu mà họ thử nghiệm có khả năng gây cháy và không phù hợp để kinh doanh hợp pháp tại Anh.
Các xét nghiệm do chương trình truyền hình Dispatches của Anh ủy quyền cũng phát hiện nhiều sản phẩm dành cho trẻ em của Temu chứa kim loại nặng như chì, cadmium và antimon ở mức độ có thể gây ra các rối loạn nghiêm trọng về tâm thần và sinh lý.
Thực tế, Temu chỉ là khâu trung gian không trực tiếp sản xuất mà chỉ đóng vai trò là cầu nối giữa nhà sản xuất và người tiêu dùng, tạo điều kiện giao sản phẩm trực tiếp từ các nhà máy và kho hàng – chủ yếu ở Trung Quốc đến người mua.
Điều đó có nghĩa là họ không giám sát được việc hàng hóa kinh doanh trên sàn có được chứng nhận an toàn trước khi bán hay không và chỉ dựa vào việc người bán ký các thỏa thuận khẳng định cam kết về an toàn sản phẩm và tuân thủ các quy định có liên quan tại địa phương.
Tại Việt Nam, Cục Thương mại điện tử và kinh tế số (Bộ Công Thương) cho biết Bộ Công Thương đã có văn bản báo cáo Thủ tướng về việc ban hành công điện về việc tiếp tục đẩy mạnh công tác quản lý nhà nước về thương mại điện tử.
“Trong đó có nội dung nghiên cứu, đề xuất ban hành Luật chuyên ngành về thương mại điện tử nhằm tăng cường quản lý nhà nước đối với hoạt động thương mại điện tử xuyên biên giới và sửa đổi Quyết định 78/2010 của Thủ tướng Chính phủ về mức giá trị hàng hóa nhập khẩu gửi qua dịch vụ chuyển phát nhanh được miễn thuế”, đại diện Cục này cho biết.
Nguồn: dantri.com.vn
- Sài Gòn Center và Ngân Hàng Vietinbank TP.HCM ký thoả thuận hợp tác cho khách hàng vay mua nhà dự án Green Valley City
- Một năm kinh tế nằm ngoài dự liệu của Fed
- Thủ tướng Phạm Minh Chính: ‘Quy hoạch vùng Đông Nam Bộ càng sớm càng tốt’
- Miệt mài tăng điểm 8 phiên liên tiếp, VN-Index có thể đi lên đến bao giờ?
- Việt Nam khẳng định xóa bỏ hoàn toàn vũ khí hạt nhân là lợi ích chung của toàn nhân loại
- Thị trường bất động sản sẽ có tín hiệu hồi phục rõ nét hơn khi lãi suất vay xuống dưới 10%
- Video: Cháy tiệc cưới kinh hoàng, hơn 100 người thiệt mạng