Mức tăng thu nhập của người lao động không thể theo kịp mức tăng chóng mặt của giá bất động sản như hiện tại. Như vậy, khi để dành đủ tiền mới mua nhà thì căn nhà đã tăng giá cách xa so với số tiền có được.
Vợ chồng anh Dương đang thuê nhà tại Hai Bà Trưng, Hà Nội, có thu nhập của cả gia đình trung bình khoảng 40 triệu đồng/tháng. Mỗi tháng, gia đình anh chỉ để ra được khoảng 20% thu nhập để tiết kiệm mua nhà sau khi đã trừ tất cả các chi phí. Anh cho biết, thu nhập của gia đình anh đã nằm ở mức khá so với nhiều người, nhưng để tiết kiệm mua nhà thì vẫn khá xa vời.
“Hiện tại, thu nhập của vợ chồng tôi chỉ đủ cho chi phí sinh hoạt và tiền học cho 1 đứa con. Khoản tiết kiệm bỏ ra cũng không ổn định vì có tháng ốm đau, đám lễ hay gia đình có việc phát sinh. Như vậy, nếu không tăng ca hoặc kiếm thêm việc làm ngoài thì hầu như hai vợ chồng tôi chỉ tiết kiệm được khoảng 50-60 triệu đồng/năm. Muốn mua được nhà khoảng 3 tỷ ở Hà Nội thì ít nhất cũng phải 50 năm, anh Hiệp chia sẻ.
Khác với anh Hiệp, gia đình anh Hải (Hà Đông, Hà Nội) cho biết, vì chưa có con nên gia đình anh mỗi tháng cố gắng tiết kiệm được khoảng 20 triệu đồng. Như vậy, mỗi năm sẽ có khoảng hơn 200 triệu đồng, nếu muốn mua nhà 4 tỷ đồng cũng phải mất gần 20 năm.
Với tình hình tài chính của một người độc thân, chị Thương (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết: “Hiện thu nhập của tôi là khoảng 15 triệu đồng/tháng. Trừ chi phí thuê nhà, sinh hoạt, tôi tiết kiệm được khoảng 8 triệu đồng/tháng. Số tiền kiếm được ít ỏi như này, tôi chưa biết bao giờ mua nổi 1 căn chung cư ở đây”.
Thực tế, giá nhà tại Việt Nam đang cao hơn rất nhiều so với thu nhập trung bình của người dân khiến việc sở hữu nhà càng khó khăn hơn. Trong khi đó, giá nhà trong năm 2024 dự báo sẽ còn tiếp tục tăng cao.
Khảo sát về giá nhà của Công ty nghiên cứu bất động sản CBRE trong năm 2023, thị trường chung cư ở 2 thành phố Hà Nội và TP.HCM vẫn đang neo ở mức cao. Đặc biệt là tại Hà Nội, khi ghi nhận xu hướng giá sơ cấp tăng nhanh trong năm 2023, nguyên nhân chính do tỷ trọng nguồn cung mở bán áp đảo từ phân khúc cao cấp.
Cụ thể, giá bán sơ cấp trung bình tại Hà Nội đạt 53 triệu đồng/m2 (chưa bao gồm VAT và phí bảo trì), tăng 4,6% theo quý và 14,6% theo năm. Còn giá bán sơ cấp căn hộ tại TP.HCM là hơn 61 triệu đồng/m2 (giảm 1,7% so với năm 2022).
Tại thị trường thứ cấp, giá bán căn hộ chung cư ở Hà Nội trong quý 4/2023 đạt trung bình 33 triệu đồng/m2 và tương đương mức tăng 5% theo năm. Còn TP.HCM ghi nhận 45 triệu đồng/m2 đối với thị trường chung cư và 140 triệu đồng/m2 đối với thị trường nhà thấp tầng.
Một nghiên cứu của Savills Việt Nam cũng chỉ ra, năm 2023 thu nhập bình quân đầu người của Hà Nội đạt 150 triệu đồng/người. So với năm 2019 thì mức tăng trưởng trung bình thu nhập là 6% một năm. Trong khi đó, mức tăng giá căn hộ từ năm 2019 đến 2023 là 13% một năm.
Hơn nữa, với chi phí sinh hoạt, ăn ở, đi lại, chi trả cho y tế, giáo dục… khá đắt đỏ như hiện nay, thì sau khi trừ đi các khoản phải chi trả hàng tháng, rõ ràng việc tiết kiệm tiền để có thể sở hữu nhà đối với không ít gia đình là khá khó khăn. Chính vì vậy, dù nhu cầu thực sự của người dân rất cao và nguồn cung ngày càng được cải thiện cả về số lượng và chất lượng, nhưng mua được nhà chưa bao giờ là dễ dàng.
Như vậy, rõ ràng thu nhập thực tế so với giá thành sở hữu nhà thường không song hành với nhau. Tuy nhiên, ở những quốc gia khác, Chính phủ có nhiều giải pháp cho vấn đề này như cho thuê mua dài hạn, gần như trọn đời bằng hình thức trả góp để người dân nhanh chóng tiếp cận với cơ hội sở hữu nhà hơn.
Tại Việt Nam, người dân cũng từng đặt nhiều kỳ vọng về nhà ở xã hội trong năm 2024, giải toả được “cơn khát” cho thị trường hiện nay. Tuy nhiên, đến nay số lượng nhà ở xã hội vẫn “nhỏ giọt”, tắc ở nhiều phía khiến hầu như không có nguồn cung mới.
Bên cạnh phát triển nhà ở xã hội, thời gian qua Nhà nước cũng đưa ra nhiều biện pháp như hướng dòng tín dụng vào đối tượng người mua nhà, cho người dân vay mua nhà với gói lãi suất thấp,… Đặc biệt, 3 bộ luật quan trọng liên quan đến bất động sản (Luật Nhà ở, Luật Đất đai và Luật kinh doanh bất động sản) chính thức có hiệu lực từ 1/1/2025 được kỳ vọng sẽ “cởi trói” pháp lý, bảo vệ toàn diện hơn các quyền lợi cho người mua nhà.
Nhìn nhận từ phía các chuyên gia, để người dân có nhà thì không chỉ chủ đầu tư cần đưa ra các sản phẩm tốt và được người mua chấp nhận, mà cũng cần tạo ra những chính sách bán hàng hợp lý, ưu đãi để người dân có cơ hội nhanh chóng, thuận lợi hơn khi thực hiện ước mơ an cư.
Đồng thời, cần hạn chế dần những phát triển lệch hướng của thị trường như việc tạo hiệu ứng đẩy giá thành lên cao, đầu cơ lũng đoạn… Đây mới chính là mấu chốt để phát triển thị trường bền vững và người dân có thể sở hữu nhà.
Đời sống Pháp luật
- Sài Gòn Center và Ngân Hàng Vietinbank TP.HCM ký thoả thuận hợp tác cho khách hàng vay mua nhà dự án Green Valley City
- Một năm kinh tế nằm ngoài dự liệu của Fed
- Chọn vị trí để kinh doanh nhà trọ cho thuê
- Khối ngoại vẫn “lấn lướt” trên thị trường M&A
- Giá vàng hôm nay (10/5): Tiếp đà tăng mạnh
- Người dân Brazil chuẩn bị tang lễ cho “Vua bóng đá” Pele
- Cách trang trí mâm ngũ quả ngày Tết đẹp, đơn giản nhất