Mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Võ Văn Minh đã ký Quyết định số 182/QĐ-UBND ngày 26/1/2024 phê duyệt Đồ án điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung thành phố Tân Uyên đến năm 2040.
Theo quyết định được phê duyệt, Đồ án điều chỉnh quy hoạch Tân Uyên định hướng đến năm 2030 là đô thị công nghiệp – dịch vụ – nông nghiệp kết hợp du lịch sinh thái; Đến năm 2040 là đô thị dịch vụ – công nghiệp – đầu mối giao thông cấp vùng và nông nghiệp kết hợp du lịch sinh thái. Trong đó, công nghiệp theo hướng phát triển công nghiệp sạch, có công nghệ cao.
Thành phố Tân Uyên được thành lập ngày 13/02/2023 theo Nghị Quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XV với 12 đơn vị hành chính, gồm 10 phường và 02 xã, tổng diện tích tự nhiên gần 19.200ha, dự kiến dân số khoảng 850.000 người.
Theo quy hoạch, đô thị Tân Uyên tiếp tục phát triển theo mô hình đa cực với trung tâm là phường Uyên Hưng hiện hữu; hướng Đông Bắc phát triển khu đô thị công nghiệp trên cơ sở Khu công nghiệp Nam Tân Uyên mở rộng kết nối với Khu công nghiệp VSIP III; Khu vực phía Đông Nam hình thành khu đô thị cảng trên cơ sở phát triển cảng Thạnh Phước kết nối với cảng Thái Hòa; Khu vực phía Tây Nam cải tạo chỉnh trang các khu đô thị hiện hữu và khu vực dọc 2 bên tuyến đường sắt Dĩ An – Lộc Ninh. Trong đó, ưu tiên phát triển dọc trục chính đô thị theo các tuyến đường ĐT.746, ĐT.742; Khu vực phía Tây Bắc giữ nguyên Khu công nghiệp VSIP II và phát triển đô thị mới dọc theo Vành đai 4 và đường ĐT.742; Hai xã Thạnh Hội và Bạch Đằng phát triển nông nghiệp đô thị kết hợp du lịch sinh thái, phát triển cảng dọc sông Đồng Nai.
Quy hoạch cũng định hướng, thành phố Tân Uyên có 6 khu đô thị, trong đó khu đô thị trung tâm hành chính – dịch vụ rộng hơn 1.990ha (vùng lõi trung tâm khoảng 390ha) gồm một phần phường Uyên Hưng và Khánh Bình. Khu đô thị này lấy trung tâm thành phố Tân Uyên làm hạt nhân phát triển lan tỏa thông qua các tuyến giao thông chính đô thị. Từ đó phát triển dịch vụ – thương mại, tài chính – ngân hàng, văn hóa, giáo dục, vui chơi giải trí. Đồng thời chỉnh trang khu dân cư hiện hữu và phát triển các khu đô thị mới. Khu vực còn lại phát triển nhà ở mật độ thấp, khai thác vùng cảnh quan ven suối và dọc sông Đồng Nai.
Tân Uyên cũng được quy hoạch khu đô thị cảng – dịch vụ logistic với diện tích khoảng 2.286ha tại phường Thạnh Phước và một phần phường Thái Hòa, Khánh Bình. Chức năng khu đô thị cảng và logistics phục vụ cho các khu công nghiệp của tỉnh Bình Dương và các vùng lân cận. Đặc biệt, khu vực lõi đô thị 330ha đầu tư cảng Thạnh Phước, cảng Thái Hòa và phát triển các dịch vụ thương mại cấp khu vực, dịch vụ logistic; Phát triển các loại hình ở mật độ thấp kết hợp công viên cây xanh dọc sông Đồng Nai và suối Cái.
Khu đô thị số 3 là khu đô thị dịch vụ tích hợp đa chức năng rộng gần 5.300ha tại phường Tân Hiệp, Khánh Bình và một phần phường Vĩnh Tân. Chức năng là đô thị dịch vụ – thương mại – văn hóa – vui chơi giải trí với khu đô thị lõi phát triển trung tâm dịch vụ, thương mại cấp vùng và các khu hỗn hợp cao tầng kết hợp với công viên văn hóa, thể dục thể thao; Phát triển các khu đô thị mới hiện đại dọc theo các trục chính đô thị phục vụ cho khu công nghiệp Nam Tân Uyên và Nam Tân Uyên mở rộng; Bảo vệ vùng cảnh quan ven suối thông qua các mô hình nhà ở sinh thái.
Khu đô thị tiếp theo được Tân Uyên quy hoạch khu đô thị dịch vụ thương mại có diện tích khoảng 2.455ha tại một phần phường Vĩnh Tân. Đây là đô thị dịch vụ – thương mại hỗ trợ cho các khu công nghiệp.
Bên cạnh đó là khu đô thị – công nghiệp công nghệ cao tại một phần phía Bắc phường Uyên Hưng và một phần phường Hội Nghĩa có diện tích rộng 2.680ha (vùng lõi trung tâm khoảng 130ha). Khu vực lõi đô thị được đầu tư hoàn chỉnh các khu công nghiệp hiện có; phát triển công nghiệp mới kết nối Khu công nghiệp Nam Tân Uyên mở rộng và Khu công nghiệp VSIP III, hình thành khu đô thị công nghiệp và dịch vụ logitics; phát triển các khu đô thị mới xung quanh khu công nghiệp dọc đường Vành đai 4; phát triển trung tâm mới phường Hội Nghĩa và các công trình hạ tầng xã hội phục vụ cho khu vực.
Khu đô thị số 6 là khu đô thị mới kết hợp đầu mối giao thông vùng tại phường Phú Chánh, Tân Vĩnh Hiệp và Tân Phước Khánh có tổng diện tích khoảng 2.967ha. Trong đó, vùng lõi trung tâm rộng 490ha, đầu tư xây dựng ga Phú Chánh kết hợp với các chức năng dịch vụ đầu mối cấp vùng nhằm tạo ra hiệu ứng phát triển đô thị cho không gian xung quanh; Phát triển khu đô thị mới gắn với các loại hình dịch vụ thương mại kết nối với dịch vụ logistic, dịch vụ kho bãi, vận chuyển khu vực nhà ga; Phát triển các khu vực phát triển đô thị mới dọc theo các tuyến ĐT.746 và ĐT.742. Khu vực còn lại tiếp tục duy trì Cụm công nghiệp Phú Chánh và phát triển khu vực ga Phú Chánh kết hợp dịch vụ kết hợp phát triển nhà ở mật độ thấp, khai thác cảnh quan ven suối Cái.
Đồ án điều chỉnh quy hoạch thành phố Tân Uyên đến năm 2040 cũng quy hoạch khu nhà ở hỗn hợp tập trung trên các đường chính đô thị (Đại lộ Nam Tân Uyên, Đại lộ Uyên Hưng – Thủ Dầu Một, Vành đai 4, các trục đường tỉnh ĐT.742, ĐT.746, ĐT.747…) và tại các cửa ngõ đô thị. Đồng thời cũng quy hoạch 10 khu vực phát triển đô thị mới tại các phường Vĩnh Tân, Uyên Hưng, Hội Nghĩa, Tân Hiệp, Khánh Bình, Thạnh Phước… mỗi khu vài trăm ha. Cải tạo, chỉnh trang đô thị tại Uyên Hưng Tân Phước Khánh Thái Hòa với tổng quy mô gần 750ha. Ngoài ra, quy hoạch cũng bố trí nhà ở xã hội tại các khu vực tập trung nhiều công nhân lao động, cán bộ công chức, học sinh sinh viên và người có thu nhập thấp trên địa bàn thành phố Tân Uyên với tổng quy mô khoảng 81ha.
Tân Uyên cũng đưa ra các chương trình ưu tiên đầu tư và ngồn lực thực hiện. Cụ thể là đến 2025 sẽ tập trung đầu tư vào một số dự án hạ tầng khung như cao tốc Hồ Chí Minh – Chơn Thành, Vành đai 4, đường đi cảng Thạnh Phước và cầu Bạch Đằng 2, mở rộng ĐT.742, ĐT.747A…; khai thác quỹ đất công xây dựng các công trình hạ tầng xã hội và hạ tầng kỹ thuật; giải quyết an sinh xã hội và nâng cao mức sống dân cư đô thị; đầu tư các công trình dịch vụ, công cộng bảo đảm các tiêu chí đô thị đô thị loại II.
Đến năm 2030, tiếp tục đầu tư hạ tầng kỹ thuật các tuyến đường Đại lộ Uyên Hưng – Thủ Dầu Một, Đại lộ Nam Tân Uyên, đường đi Cảng Thạnh Phước, cầu Thạnh Hội 2; xây dựng các khu vực phát triển đô thị dọc Vành đai 4; tiếp tục đầu tư kết cấu hạ tầng logistics kết hợp cảng sông.
Đến năm 2040 xây dựng đường sắt Thành phố Hồ Chí Minh – Lộc Ninh và hệ thống ga ở Phú Chánh; tiếp tục xây dựng hoàn chỉnh hệ thống giao thông và các khu vực phát triển đô thị, chuyển đổi công năng các cơ sở sản xuất ngoài khu công nghiệp thành các khu dịch vụ thương mại, các công trình phúc lợi xã hội.
Đối với nguồn lực để thực hiện các công trình hạ tầng khung được xác định là vốn đầu tư và đất đai. Đối với vốn đầu tư, ngoài nguồn vốn đầu tư công từ ngân sách, vận dụng các cơ chế chính sách của Nhà nước kêu gọi đầu tư phát triển hạ tầng. Huy động nguồn vốn xã hội hóa từ các doanh nghiệp đầu tư các lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ, đô thị, y tế, giáo dục…
Đối với nguồn lực đất đai, quy hoạch xác định quản lý và khai thác tốt nguồn tài nguyên đất đai, bảo đảm khai thác có hiệu quả, đúng theo định hướng quy hoạch trên cơ sở bảo vệ môi trường, thích ứng biến đổi khí hậu.
Đồ án điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung thành phố Tân Uyên đến năm 2040 vừa được phê duyệt là cơ sở để cụ thể hóa các định hướng phát triển kinh tế xã hội của địa phương. Qua đó góp phần sớm đưa Bình Dương (năm 2030) cơ bản trở thành một thành phố thông minh, đạt các tiêu chí đô thị loại I trực thuộc Trung ương.
Ngày 13-02-2023, tại phiên họp thứ 20, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thống nhất thành lập TP.Tân Uyên thuộc tỉnh Bình Dương bằng Nghị quyết số 725/NQ-UBTVQH15, có hiệu lực thi hành từ ngày 10-4-2023. TP.Tân Uyên được thành lập trên cơ sở nguyên trạng thị xã Tân Uyên với diện tích gần 192 km2, dân số hơn 466.000 người, có 12 đơn vị hành chính trực thuộc gồm 10 phường và 2 xã.
TP.Tân Uyên đang được hưởng lợi thế từ kế hoạch lớn về giao thông của tỉnh Bình Dương. Nhiều công trình hạ tầng quan trọng như đại lộ Nam Uyên Hưng, Vành đai 4, đại lộ Uyên Hưng – Thủ Dầu Một; nhiều tuyến tỉnh lộ như ĐT 741, ĐT 742, ĐT 745, ĐT 746, ĐT 747… đã được triển khai để kết nối Tân Uyên với các địa phương lân cận, tạo nên hệ thống giao thông tiện lợi và hiện đại, kéo Tân Uyên gần hơn với Thủ Dầu Một, Biên Hòa, TPHCM…
Hạ tầng đầu tư tốt, Tân Uyên sẽ càng phát huy được thế mạnh của mình, thu hút nguồn vốn đầu tư lớn từ trong và ngoài nước. Đặc biệt với lợi thế về vị trí địa lý, công nghiệp phát triển mạnh mẽ, Tân Uyên sẽ trở thành địa phương có nhu cầu về nhà ở rất lớn, đưa thị trường bất động sản ở địa phương này trở nên hấp dẫn với các nhà đầu tư.
Với nhiều lợi thế như vậy, Tân Uyên đang trên đường trở thành đô thị thông minh điển hình của Bình Dương, đưa Bình Dương trở thành cực tăng trưởng quan trọng của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước.
Nguồn: https://www.moitruongvadothi.vn
- Sài Gòn Center và Ngân Hàng Vietinbank TP.HCM ký thoả thuận hợp tác cho khách hàng vay mua nhà dự án Green Valley City
- Một năm kinh tế nằm ngoài dự liệu của Fed
- Giá vàng hôm nay 22/1/2024: Nguy cơ giảm mạnh, ‘không bỏ hết trứng vào một giỏ’
- Hướng dẫn 6 cách khôi phục ảnh đã xóa trên iPhone (Update 2021)
- Kỷ nguyên đầu tư chứng khoán dựa trên trí tuệ nhân tạo
- Thực hư chuyện 3 người mua 14 tờ vé số đều trúng độc đắc, chia nhau 25 tỉ
- Ngân hàng tích cực giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ doanh nghiệp và người dân