Ngân hàng Nhà nước đang rà soát sửa đổi một số văn bản quy phạm pháp luật và vẫn dựa trên nguyên tắc tháo gỡ khó khăn nhưng phải quản lý chặt chẽ rủi ro, đảm bảo an toàn hệ thống. Đối với đề nghị kéo dài thời gian Thông tư 02, Thống đốc cho biết, Ngân hàng Nhà nước sẽ xem xét đánh giá nghiên cứu…
Tại Hội nghị bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn về tăng trưởng tín dụng cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô do Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho rằng điều hành tăng trưởng tín dụng là rất khó vì bản thân nội tại nền kinh tế Việt Nam, nhu cầu vốn đầu tư đã phụ thuộc rất nhiều vào vốn ngân hàng.
Hiện tỷ lệ tín dụng/GDP của Việt Nam trên 125%. Các tổ chức quốc tế cũng đã cảnh báo Việt Nam là một trong những nước có tỷ lệ tín dụng/GDP cao nhất trong nhóm nước có thu nhập trung bình nhưng năm 2023 vốn đầu tư nền kinh tế lại gặp khó khăn.
Thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp ách tắc nên gần như doanh nghiệp không phát hành trái phiếu doanh nghiệp, áp lực đổ dồn lên tín dụng ngân hàng vốn đã khó lại càng khó hơn.
Trong khi đó, Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ yêu cầu làm thế nào để thúc đẩy hỗ trợ kinh tế nhưng vẫn phải đảm bảo kiểm soát rủi ro, thực hiện các giải pháp ngắn hạn nhưng vẫn phải đảm bảo các giải pháp căn cơ trung, dài hạn.
Trên cơ sở các ý kiến đại biểu tại Hội nghị, theo Thống đốc tổng hợp gồm có 3 nhóm vấn đề: tiếp cận vốn (điều kiện vay vốn); tài sản bảo đảm và cơ cấu lại khoản nợ, giữ nguyên nhóm nợ.
Thống đốc dẫn chứng số liệu, tính đến tháng 10/2023, theo báo cáo doanh số cho vay của hệ thống đạt 17,6 triệu tỷ đồng như vậy cao hơn cả năm 2021 (17,4 triệu tỷ đồng). Chỉ còn 1 tháng nữa kết thúc năm 2023, khả năng con số này có thể đạt trên 19 triệu tỷ đồng.
Đây là con số lớn nhưng tăng trưởng tín dụng 9,15%, chứng tỏ hệ thống ngân hàng vẫn cấp vốn tín dụng cho nền kinh tế nhưng chủ yếu tập trung cho vay ngắn hạn, vòng quay vốn diễn ra bình thường. Điều này cho thấy mắc ở đây tín dụng cho vay trung, dài hạn khó khăn. Khó khăn chủ yếu do yếu tố khách quan.
Trong phần đánh giá tín dụng của các nước trên thế giới cũng đều tăng chậm không riêng Việt Nam do tổng cầu thế giới giảm. Cũng như các nước trên thế giới, đối với bài toán vốn trung, dài hạn tại Việt Nam cũng cần thận trọng làm sao huy động vốn ngắn hạn chỉ cho vay ngắn hạn, đảm bảo khả năng chi trả khi người dân rút tiền.
Riêng đối với tín dụng bất động sản, Thống đốc khẳng định lần nữa, Ngân hàng Nhà nước chưa bao giờ cấm cho vay lĩnh vực này, mà chỉ đưa ra các quy định kiểm soát rủi ro ở đây là lo rủi ro kỳ hạn.
Theo Thống đốc, nếu ngân hàng tập trung cho vay dài hạn đến khi người dân rút tiền lại phải đối mặt rủi ro thanh khoản. Các ngân hàng cân đối tính khả thi dự án, khả năng thu hồi nợ cũng như giải quyết vấn đề vướng mắc pháp lý để cho vay khách hàng.
Vấn đề cốt lõi đối với thị trường bất động sản hiện tại là phải tháo gỡ pháp lý. Khi pháp lý thông suốt chắc chắn lập tức tín dụng lập khơi thông. Do đó, bên cạnh sự đồng hành, quyết liệt triển khai giải pháp của ngành Ngân hàng, Thống đốc đề nghị các Bộ, ngành, địa phương cũng quan tâm tháo gỡ khó khăn vấn đề pháp lý.
Về vấn đề tài sản đảm bảo, Thống đốc khẳng định, trong hoạt động cấp tín dụng không có quy định nào bắt buộc các tổ chức tín dụng cho vay khách hàng phải có tài sản đảm bảo mà có thể vay không có tài sản đảm bảo thế chấp. Còn việc định giá tài sản đảm bảo để cho vay bao nhiêu thuộc thẩm quyền của tổ chức tín dụng. Tuy nhiên, Thống đốc đề nghị các ngân hàng ghi nhận ý kiến đề xuất làm sao trong quá trình cho vay vừa tạo thuận lợi cho doanh nghiệp vừa đảm bảo chặt chẽ.
Đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, hiện chiếm tới khoảng 95% tổng số doanh nghiệp của cả nước, bình thường hạn chế khó khăn về năng lực tài chính, nay chịu tác động của dịch Covid-19 lại càng khó khăn, gần như không còn tài sản đảm bảo.
Để tạo điều kiện, cải thiện khả năng tiếp cận tín dụng của các doanh nghiệp nhỏ và vừa, song song giải pháp của ngành ngân hàng, Thống đốc đề nghị cần đẩy mạnh vai trò, giải pháp từ các Quỹ như Quỹ Hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa, Quỹ bảo lãnh tín dụng Doanh nghiệp nhỏ và vừa …
Về hành lang pháp lý, Thống đốc cho hay, Ngân hàng Nhà nước đang rà soát sửa đổi một số văn bản quy phạm pháp luật và vẫn dựa trên nguyên tắc tháo gỡ khó khăn nhưng phải quản lý chặt chẽ rủi ro, đảm bảo an toàn hệ thống. Đối với đề nghị kéo dài thời gian Thông tư 02, Thống đốc cho biết, Ngân hàng Nhà nước sẽ xem xét đánh giá nghiên cứu.
Đối với vấn đề điều hành tăng trưởng tín dụng, Ngân hàng Nhà nước xem xét, đánh giá lại toàn bộ quá trình điều hành chỉ tiêu room tín dụng những mặt được cũng như chưa được. Trong thời gian tới, việc có tiếp tục duy trì room tín dụng hay không hoặc có lộ trình như thế nào… sẽ trên tinh thần khắc phục hạn chế tạo điều kiện đảm bảo tiêu chí kiểm soát được rủi ro tín dụng.
Còn một số ý kiến liên quan đến tổ chức tín dụng thủ tục cho vay, định giá tài sản đảm bảo, cho vay tín chấp, giảm lãi suất… Ngân hàng Nhà nước đề nghị tổ chức tín dụng cố gắng nhất có thể để tiếp tục thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp.
Nguồn thuonggiaonline.vn
- Sài Gòn Center và Ngân Hàng Vietinbank TP.HCM ký thoả thuận hợp tác cho khách hàng vay mua nhà dự án Green Valley City
- Một năm kinh tế nằm ngoài dự liệu của Fed
- Hướng dẫn 3 cách đăng nhập Facebook trên máy tính và điện thoại
- Chiêu mộ cả vạn nhân viên trong suốt 20 năm khởi nghiệp, Shark Bình chia sẻ kinh nghiệm xương máu: Nên ‘cảnh giác’ với 1 kiểu nhân viên, dù tài giỏi cũng khó mà thành công
- TPHCM: Lư hương Đức thánh Trần về lại vị trí cũ sau hơn 1.000 ngày
- 83.000 tỷ đồng “tiền tươi” nằm chờ trên tài khoản của nhà đầu tư tại các công ty chứng khoán vào cuối quý 4, cao nhất trong gần hai năm
- Chủ tịch nước: Doanh nghiệp Nhà nước cần kiến tạo nền tảng phát triển ở nơi tư nhân không muốn đầu tư