Bí quyết vượt qua khủng hoảng của huyền thoại kinh doanh Nhật Bản

110 lượt xem - Posted on

Hiện nay, cả thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng đang đối mặt với nhiều khó khăn, nhiều doanh nghiệp phải điêu đứng, thậm chí phá sản. Trong lịch sử, thế giới cũng từng trải qua những cơn tai biến, giới kinh doanh chịu tổn thất nặng nề. Nhưng một bộ phận trong số họ có thể vững vàng vượt qua, sau đó còn bứt phá mạnh mẽ.

Điển hình là câu chuyện của Matsushita Konosuke (1894 – 1989), người được mệnh danh là huyền thoại kinh doanh, anh hùng dân tộc của Nhật Bản. Ông là người sáng lập ra tập đoàn Matsushita, nổi tiếng với thương hiệu Panasonic, Sanyo, v.v. Ông Konosuke đã vượt qua cuộc khủng hoảng bằng bí quyết gì vậy?

Khủng hoảng kinh tế, quyết không sa thải nhân viên

Năm 1929, xảy ra khủng hoảng kinh tế thế giới. Trong hồi ký của mình, ông Konosuke có viết:

“Hồi đó, do chính sách giảm phát và bỏ lệnh cấm xuất khẩu vàng của nội các do Thủ tướng Hamaguchi đứng đầu, Nhật Bản đã rơi vào tình trạng khủng hoảng. Không chỉ vật giá tăng lên hàng loạt, mà lượng hàng hóa bán ra cũng giảm đột ngột. Ở đâu cũng thấy có công ty phá sản. Khắp nơi đều nghe thấy chuyện giảm lương, cắt giảm biên chế hay tranh cãi xung quanh vấn đề lao động. Trong hoàn cảnh đó, doanh thu của Công ty điện gia dụng Matsushita cũng giảm mạnh, ở vào tình trạng chỉ bằng một nửa bình thường, tạo ra núi hàng tồn đọng trong nhà kho. Cuối năm đó, nhà kho trở nên đầy ắp, đến mức dù sắp xếp thế nào cũng không đưa thêm hàng vào được nữa. Giá như lúc ấy dư dả về tiền vốn thì vẫn còn được, nhưng khi đó tôi mới xây dựng nhà xưởng, nên tiền vốn đã cạn kiệt. Nếu cứ tiếp tục tiến hành công việc trong tình trạng đó thì sẽ dẫn đến chỗ bế tắc. Đó là điều rõ như ban ngày”.

Trong tình cảnh ấy, rủi thay ông Konosuke lại ốm phải nằm viện. Những cán bộ chủ chốt của công ty đã đem kế sách mà họ cho là tối ưu nhất đến trình bày với ông, đó là giảm một nửa số nhân viên công ty. Sau khi cân nhắc kỹ càng, Konosuke quyết định giảm một nửa sản xuất; nhưng sẽ không sa thải bất cứ nhân viên nào, lương của nhân viên vẫn trả đủ theo ngày làm việc. Đồng thời, ông cũng khuyến khích nhân viên đi làm nửa ngày, nửa ngày còn lại dựa trên sự tự nguyện, lựa chọn giúp công ty tiêu thụ hàng tồn. Ông nói rằng:

“Trên thế giới này, có ngày Mặt Trời chiếu sáng rực rỡ; nhưng cũng có ngày âm u. Nếu mỗi khi như vậy cứ tuyển dụng rồi sa thải thì cuối cùng kết quả sẽ như thế nào? Dù chỉ một người thôi cũng không được đuổi. Tiền công cho nửa ngày làm việc hay nửa ngày sản xuất, dù là một phần trăm cũng không được cắt!”

Động thái này của Konosuke đã làm lay động lòng người. Nhiều nhân viên đã bất kể nắng mưa; thậm chí hy sinh cả ngày nghỉ của mình để nỗ lực làm việc. Kết quả là, vào tháng 2 năm sau, “núi hàng tồn đọng đã biến mất như chuyện đùa vậy. Thậm chí, từ lúc đó công ty chuyển từ chế độ làm nửa ngày sang cả ngày mà vẫn không kịp với tốc độ hàng bán ra”.

Mục đích của kinh doanh: không phải để kiếm tiền

Câu chuyện này giới kinh doanh Nhật Bản đều biết rõ, nhưng có thể thực sự làm được như ông Konosuke thì không có mấy ai. Tác giả Lưu Như cho rằng: Khi học về kinh doanh, người ta rất dễ học theo các biện pháp và chiến lược cụ thể, mà thường xem nhẹ những giá trị quan quan trọng nhất, cũng chính là những niềm tin đúng đắn. Nhờ có niềm tin này, Konosuke biết căn cứ vào tình hình cụ thể, vấn đề cụ thể để linh hoạt đưa ra sách lược, mà không bị trói buộc vào các biện pháp cố định nào đó.

Niềm tin của Konosuke là gì? Chính là: ông mở công ty là để cống hiến cho xã hội, mang lại hạnh phúc cho nhân viên. Như vậy, công ty chính là gia đình của nhân viên, công ty của mọi người, như thế đương nhiên không dễ nói đến việc sa thải nhân viên.

Nếu ông không có tôn chỉ cống hiến này, thì ông sẽ không làm được như vậy, cho dù người khác muốn học ông cũng sẽ không có cái can đảm và dũng khí ấy. Ông không chỉ đối xử với nhân viên như vậy, mà còn đối xử với các đại lý của mình cũng rất nhân đạo, vì thế mà được mọi người coi trọng, mọi người vì cảm kích ông mà trung thành, nguyện ý cùng ông đồng cam cộng khổ, cũng nguyện ý làm theo tôn chỉ của ông. Mọi người đều cảm thấy kinh doanh như thế mới là giá trị đích thực của đời người, cảm thấy vô cùng vinh dự và vui mừng. Một khi công ty được xây dựng trên văn hóa và sứ mệnh như thế cũng tức là công khai theo đuổi giá trị quan giống nhau, điều đó sẽ tạo thành sức mạnh to lớn không thể lường được. Điều chúng ta nhìn thấy chính là kỳ tích của thành công.

Sự can đảm của Thiên hoàng

Câu chuyện về ông Konosuke khiến chúng ta liên tưởng tới câu nói trong văn hoá truyền thống phương Đông, rằng: “Thiện hữu thiện báo”, “Ở lành Trời dành phúc cho”. Một người tâm mang thiện niệm, thực sự biết nghĩ cho người khác, thì Ông Trời sẽ giúp đỡ người ấy vượt qua khó khăn, thành toàn cho người ấy. Bản thân Matsushita Konosuke cũng có nhận thức sâu sắc về sức mạnh vô biên của lòng nhân đức. Trong hồi ký của mình, ông từng viết:

“Khi nói đến đạo đức, trước hết trong đầu tôi nghĩ đến cuộc gặp gỡ diễn ra sau khi Chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc giữa Thiên hoàng Shōwa và tướng MacArthur. Nghe nói, ngay từ lúc đầu tướng MacArthur đã nghĩ, như những người đứng đầu các nước bại trận khác, Thiên hoàng của Nhật Bản thế nào cũng sẽ xấu hổ khi phải nói để làm sao phía Mỹ nương tay hòng giữ thể diện cho mình. Thế nhưng, trong cuộc gặp gỡ Thiên hoàng không hề tỏ ra sợ hãi tướng MacArthur hay né tránh trách nhiệm, mà nói dõng dạc rằng: “Tất cả trách nhiệm về cuộc chiến này thuộc về tôi. Bởi vậy, một mình tôi có thế nào cũng không hề gì. Chỉ có điều, tôi rất mong nhận được sự viện trợ của Liên hợp quốc để làm sao người dân không phải khổ vì sinh nhai”. Nghe thấy vậy, tướng MacArthur vô cùng cảm động và viết trong cuốn hồi ký của mình rằng: “Sự dũng cảm đó đã làm lay động tâm can tôi”. Sau này chuyện được rất nhiều người biết đến. Khi Thiên hoàng đến gặp, tướng MacArthur không ra đón, nhưng chính vì câu nói đó mà khi Thiên hoàng ra về, ông đã tiễn đến tận cửa. Người đứng đầu một nước bại chiến mà đã làm cho một vị chỉ huy đã vượt qua lửa đạn giành chiến thắng cảm động. Nước Nhật được cứu giúp một phần có lẽ cũng là nhờ như vậy.

Tôi nghĩ, đó chính là cách ứng xử dựa trên nhân đức của Thiên hoàng. Không chỉ tướng MacArthur mà tất cả những người đã từng được gặp Thiên hoàng đều bị cuốn hút bởi nhân cách của ông. Thế mới thấy hết được sức mạnh lớn lao của lòng nhân đức.

Có lúc tôi thử ngẫm nghĩ theo cách của riêng mình về lòng nhân đức, thứ mang sức mạnh vượt qua cả năng lực của con người, thì thấy đó là phẩm chất có một trường nghĩa rộng lớn. Đấy là việc luôn nghĩ đến người khác, khiêm tốn và lễ phép, luôn công bình và chính nghĩa, có hiểu biết sâu rộng, làm bất cứ việc gì cũng không bị vướng bận bởi tình riêng, mà biết phán đoán chính xác việc gì là đúng. Bởi vậy, tôi nghĩ việc tu nhân tích đức là việc vô cùng khó. Chúng ta chỉ còn cách ý thức về điều đó và rèn luyện làm sao để trở thành người nhân đức thực sự. Đó là con đường xa ngái và dài vô tận”.

Đạo kinh doanh: Lấy Đức làm gốc

Từ xa xưa cho đến thời đại “chiến tranh thương mại xuyên quốc gia” ngày nay, khi mà người người đều có thể trở thành “đế vương trong doanh nghiệp”, ở Nhật Bản vẫn luôn có những nghiên cứu về Đế vương học và Tể tướng học. Trong đó, cuốn sách lịch sử Trinh Quán Chính Yếu được xem là cuốn sách giáo khoa điển hình nhất dành cho bậc đế vương, cuốn sách ghi chép về những bàn luận chính trị trong triều đình, thảo luận về cách trị quốc của Đường Thái Tông. Đây không chỉ là cuốn sách gối đầu giường của gia tộc Thiên hoàng và tướng quân Tokygawa Ieyasu của Mạc phủ, mà còn là cuốn sách yêu thích của các học giả, doanh nhân Nhật Bản ngày nay. Đế vương học hay Tể tướng học, bản chất là phương pháp học làm lãnh đạo, cũng chính là phương pháp học quản lý cấp cao.

Từ nhà Nho học Masahiro Yasuoka, người được coi là người thầy của thủ tướng Nhật Bản cận đại, hay những nhà nghiên cứu Hán học đương đại, cho đến Shibusawa Eiichi – cha đẻ của doanh nghiệp cận đại và Kazuo Inamori – lãnh tụ giới kinh doanh đương đại Nhật Bản, nhà sáng lập hai tập đoàn lớn tầm cỡ thế giới là công ty Kyocera và công ty viễn thông KDDI, những người này đều đã lĩnh hội được trí tuệ tinh túy từ Đế vương học và áp dụng vào thực tiễn.

Tương tự như Matsushita Konosuke, ông Kazuo Inamori trong tác phẩm có tên Cách sống đã thể hiện rõ triết lý kinh doanh của ông như sau: Lúc mới lập nghiệp, ông không được học quản trị kinh doanh, cũng không hiểu biết gì về kinh doanh. Khi gặp vấn đề khó khăn trong kinh doanh, ông nhớ lại những điều đầu tiên mà cha mẹ dạy bảo ông lúc còn thơ ấu: không nói dối, không tham lợi, thành thực, chính trực, suy nghĩ xem làm người thì việc nào nên làm, việc nào không nên làm. Cuối cùng ông phát hiện rằng khi áp dụng những nguyên lý này thì dù là việc quản trị kinh doanh hay việc chính sự quốc gia, thậm chí việc nhỏ trong gia đình, việc mâu thuẫn với hàng xóm, mọi việc đều trở nên rất đơn giản. Trong kinh doanh, dù phải đối mặt với vấn đề phức tạp như thế nào, biểu hiện bề ngoài rối loạn thế nào, mâu thuẫn đỉnh điểm thế nào, khiến người ta không biết làm gì, chỉ cần vứt bỏ chấp trước vào danh lợi, quay trở về nguyên tắc bất biến làm người tốt, thì sẽ tìm ra mấu chốt của vấn đề, sẽ rất nhanh chóng đưa ra quyết định, tìm ra phương án giải quyết.

Ông còn nói, những năm gần đây trong giới chính trị và thương nhân Nhật Bản đương đại xuất hiện hiện tượng trượt dốc không đáng có, làm đảo lộn mọi thứ. Họ chỉ coi trọng tài trí mà coi nhẹ đạo đức, tuyển chọn nhân sự dựa trên sự thông minh, tài trí, xem trọng sự thành công nhanh chóng và lợi ích trước mắt. Nhưng ông vẫn luôn tuyển chọn nhân sự dựa trên những nguyên tắc: thứ nhất là đạo đức, thứ hai là dũng cảm, thứ ba là tài trí, câu truyện “thần thoại” về sự nghiệp kinh doanh thành công bất bại của ông đã chứng tỏ những điều ông lĩnh hội là thuận theo thiên đạo, đây chính là bằng chứng cho tính đúng đắn của phương thức quản trị kinh doanh lấy đức làm gốc.

Kazuo Inamori đã chỉ ra trí huệ cốt lõi của Đế vương học, chính là bốn chữ “lấy đức làm gốc” của Khổng Tử. Đây là bí quyết trị quốc và kinh doanh, là nguyên lý then chốt trong việc ra quyết định và xử lý những vấn đề phức tạp. Người có đức sẽ có tất cả, người không có đức thì không được gì.

Học giả Lưu Như bình luận rằng: Ở Trung Quốc đại lục, Đế vương học và Tể tướng học bị bóp méo thành phái âm mưu tàn khốc và vô tình. Dường như ai ai cũng đều là ngụy quân tử, để duy trì quyền lực mà không từ thủ đoạn tàn sát lẫn nhau, không phân biệt đúng sai, chỉ lo duy trì thể diện của vương thất. Từ điện ảnh, truyền hình đến các tác phẩm văn học, tất cả đều dùng những lý do “sâu sắc, hợp tình hợp lý, sinh động, hình tượng” để bôi nhọ tổ tiên và văn hóa vốn là niềm tự hào của Trung Quốc. May thay, ở Nhật Bản, tướng quân Tokygawa Ieyasu là người đam mê tìm hiểu chữ Hán, những sách vở kinh điển của Nho gia và những nghiên cứu lịch sử, ông vẫn luôn tuân theo và gìn giữ chữ Hán chính thống đời này qua đời khác. Khi được những người nổi tiếng trong các lĩnh vực áp dụng vào thực tiễn, những chân lý Nho học và hình tượng đế vương bị đảng cộng sản Trung Quốc bóp méo nay đã dần dần khẳng định được tính đúng đắn, lưu lại những bằng chứng và tấm gương quý báu cho các thế hệ sau học tập noi theo.

Lời kết

Để kết thúc bài viết, xin gửi tặng quý vị một câu danh ngôn của huyền thoại kinh doanh Kazuo Inamori:

“Thay đổi tâm tính của mình cuộc đời lập tức chuyển biến, tuần hoàn ác tính chấm dứt, tuần hoàn thiện tính bắt đầu. Qua kinh nghiệm này, tôi hiểu được một chân lý, hết thảy những sự tình gì xảy đến với mình đều là do tâm của mình tạo ra, đây là một nguyên lý mang tính căn bản. Trải qua đủ loại thất bại và khó khăn, tôi đã minh bạch được chân lý xuyên suốt cuộc đời, chân lý này khắc sâu vào đáy lòng tôi”.

Cuối cùng, xin kính chúc quý vị vững vàng vượt qua mọi sóng gió của cuộc đời với lòng nhân đức và ý chí lớn lao.

Bài viết cùng chủ đề:

Bạn đang xem Bí quyết vượt qua khủng hoảng của huyền thoại kinh doanh Nhật Bảntrên Express 24h chuyên trang tin tức uy tín hàng đầu việt nam

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *