Vụ phơi thóc giữa đường khiến 2 nữ sinh thương vong ở xã Tế Thắng (Thanh Hóa) đang gây xôn xao dư luận. Nhiều người đặt câu hỏi, người phơi thóc sẽ bị xử lý thế nào?
Công an huyện Nông Cống, Thanh Hóa xác nhận thông tin về 1 vụ tai nạn giao thông khiến 2 học sinh thương vong xảy ra trên địa bàn xã Tế Thắng vào chiều 19/9 vừa qua. Trước đó, khoảng 13h50 chiều 19/9, khi đang lưu thông trên tuyến Quốc lộ 45, đoạn qua thôn Thổ Trung, xã Tế Thắng thì 2 học sinh là L.P.C. và V.T.N. (cùng sinh năm 2008; trú tại huyện Nông Cống) đèo nhau trên 1 chiếc xe đạp điện bất ngờ trượt ngã do đi vào bãi thóc phơi bên đường.
Phơi thóc ngoài đường gây tai nạn.
|
Hậu quả, 2 em mất lái ngã ra đường, lúc này 1 chiếc xe máy đi phía sau không xử lý kịp trước tình huống bất ngờ đã đâm mạnh vào 2 em. Vụ tai nạn còn khiến 2 người đi xe máy khác bị thương do ngã mạnh xuống đường. Do vết thương quá nặng, nữ sinh C. đã tử vong, còn em N. hiện vẫn đang được theo dõi, điều trị.
Dưới góc độ pháp lý, Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường – Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết, Luật Giao thông đường bộ quy định lòng đường bộ, làn đường là nơi các phương tiện tham gia giao thông di chuyển, việc phơi thóc lúa, rơm vạ, nông sản trên lòng đường bộ là hành vi vi phạm pháp luật. Tùy vào tính chất mức độ của hành vi vi phạm mà người vi phạm sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự (khi hậu quả là nghiêm trọng).
Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường – Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp (Đoàn luật sư TP Hà Nội) |
Trường hợp lấn chiếm, sử dụng trái phép lòng đường, lề đường để phơi rơm rạ, thóc lúa, nông sản mà chưa gây ra hậu quả nghiêm trọng, (chưa có vụ tai nạn giao thông xảy ra) thì người vi phạm sẽ bị phạt xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt có thể tới 400.000 đồng theo quy định tại Điều 12, Nghị định 100/2019/NĐ-CP ngày 30/12/2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt.
Theo quy định của pháp luật, hành vi cản trở giao thông đường bộ gây hậu quả nghiêm trọng mà tai nạn chết người thì người thực hiện hành vi cản trở giao thông đường bộ có thể sẽ bị phạt tiền từ 30.000.000 đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.
Trường hợp hành vi cản trở giao thông đường bộ gây ra hậu quả tai nạn giao thông làm chết từ 3 người trở lên hoặc gây thương tích tổn hại sức khỏe của ba người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 201 % trở lên hoặc gây thiệt hại tài sản từ 1.500.000.000 đồng trở lên thì người vi phạm sẽ phải đối mặt với khung hình phạt là phạt tù từ 5 năm đến 10 năm.
Trong vụ việc nêu trên, cơ quan chức năng sẽ vào cuộc xác minh làm rõ số thóc phơi ngoài đường kia là của ai, nhận thức của người này về hành vi sử dụng trái phép lòng đường bộ như thế nào, đánh giá nguyên nhân vụ tai nạn để xác định nguyên nhân sự việc, đánh giá hậu quả của vụ tai nạn để xem xét xử lý theo quy định của pháp luật. Trong vụ việc nêu trên, hai nữ sinh bị ngã ra đường và chiếc xe máy cán qua nhưng rất có thể người điều khiển chiếc xe máy này đã bị động, bị bất ngờ trong tình huống này. Bởi vậy nếu trong trường hợp người điều khiển chiếc xe máy này đi đúng tốc độ, đúng phần đường và việc hai nữ sinh ngã ra là sự kiện bất ngờ thì người điều khiển chiếc xe máy này không phải chịu trách nhiệm pháp lý hình sự.
Pháp luật quy định người không có lỗi, nhưng sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ gây thiệt hại cho người khác vẫn có thể phải bồi thường thiệt hại dân sự, bởi vậy trong trường hợp này trách nhiệm bồi thường thiệt hại dân sự của người điều khiển xe mô tô có thể được đặt ra (có thể sẽ phải bồi thường một phần đối với thiệt hại của các nạn nhân). Còn người phơi thóc dưới lòng đường sẽ phải chịu hoàn toàn trách nhiệm trước pháp luật về hành vi cản trở giao thông đường bộ, trong đó có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự và phải bồi thường thiệt hại đối với các nạn nhân. Thiệt hại bao gồm chi phí cứu chữa, tiền công người chăm sóc, tiền bồi thường tổn thất về tinh thần, tiền thu nhập bị mất, bị giảm sút của nạn nhân. Đối với nạn nhân tử vong thì còn phải bồi thường tiền chi phí mai táng và tiền cấp dưỡng đối với người mà nạn nhân có nghĩa vụ cấp dưỡng theo quy định pháp luật.
Cũng theo Luật sư Cường, trường hợp địa phương buông lỏng quản lý, để xảy ra các hành vi vi phạm pháp luật, lấn chiếm lòng đường, lề đường, cản trở giao thông đường bộ mà không kịp thời nhắc nhở, xử lý vi phạm dẫn đến những vụ tai nạn giao thông xảy ra gây hậu quả nghiêm trọng thì cũng phải xem xét trách nhiệm của lực lượng chức năng, của chính quyền địa phương trong việc đảm bảo trật tự an toàn giao thông, trong đó cần xem xét trách nhiệm của người đứng đầu địa phương, có thể xem xét xử lý kỷ luật, đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ và uy tín của cán bộ lãnh đạo địa phương khi để xảy ra vụ việc. Nếu hành vi là thiếu trách nhiệm, gây hậu quả nghiêm trọng thì người có chức trách nhiệm vụ nhưng không thực hiện hoặc thực hiện không đúng chức trách nhiệm vụ được giao gây ra hậu quả tai nạn giao thông nghiêm trọng thì người có chức vụ quyền hạn này cũng có thể bị xem xét xử lý hình sự theo điều 360 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.
Nguồn: https://kienthuc.net.vn
- Sài Gòn Center và Ngân Hàng Vietinbank TP.HCM ký thoả thuận hợp tác cho khách hàng vay mua nhà dự án Green Valley City
- Một năm kinh tế nằm ngoài dự liệu của Fed
- CBRE: Giá chung cư dự kiến sẽ tăng 4-7% trong thời gian tới
- 3 cách Update Driver cho Windows 10
- Lãi suất hạ nhiệt sẽ giúp tăng dần thanh khoản thị trường bất động sản
- TIN NÓNG 24 GIỜ QUA: Nghi án giết bạn gái sau màn cầu hôn; thi thể 2 nữ sinh nghi nhảy cầu tự tử
- Cảnh báo cuộc gọi mạo danh Công an lừa đảo “hướng dẫn kích hoạt định danh điện tử”