Ngày 29-8, Bộ Ngoại giao Việt Nam chính thức thông báo kế hoạch Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ thăm Việt Nam trong tháng 9 tới.
Theo người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng, chuyến thăm của Tổng thống Joe Biden sẽ diễn ra trong hai ngày 10 và 11-9 theo lời mời của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Mỹ đánh giá cao Việt Nam
Trao đổi với Tuổi Trẻ, TS Pooja Bhatt, nhà nghiên cứu tại New Delhi (Ấn Độ), cho rằng chuyến đi của ông Biden thể hiện sự gắn kết chiến lược của Mỹ đối với khu vực và Việt Nam nói riêng, việc thăm Việt Nam ngay sau các cuộc họp liên quan tới G20 ở Ấn Độ “chứng minh tầm quan trọng của Hà Nội đối với việc tăng cường gắn kết của Mỹ trong khu vực ở nhiều cấp độ khác nhau”.
Theo lịch trình, ông Biden sẽ tới Hà Nội vào ngày 10-9, ngay sau khi dự Hội nghị thượng đỉnh G20 tại Ấn Độ. Đầu tháng 9 cũng là giai đoạn bận rộn của ông Biden và Phó tổng thống Kamala Harris.
Bà Harris sẽ dự các cuộc họp thượng đỉnh Mỹ – ASEAN và thượng đỉnh Đông Á (EAS) tại Indonesia từ ngày 4 đến 7-9. Sau khi thăm Việt Nam, ông Biden sẽ trở về Alaska để dự lễ tưởng niệm 22 năm xảy ra cuộc khủng bố ngày 11-9.
Theo TS Nguyễn Thành Trung (ĐH Fulbright Việt Nam), lịch trình công tác của tổng thống Mỹ chứng tỏ Việt Nam giữ vai trò quan trọng trong chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, thể hiện phía Mỹ rất nghiêm túc trong việc thúc đẩy quan hệ song phương với Việt Nam.
“Việc thu xếp này cũng cho thấy nhiều khả năng ông Biden không chỉ thực hiện một chuyến thăm ngoại giao, mà còn phải nhằm đạt được một kết quả cụ thể nào đó”, ông nói.
TS Lê Hồng Hiệp (Viện nghiên cứu Đông Nam Á – ISEAS – Yusof Ishak Institute, Singapore) lưu ý: “Ông Biden không dự cuộc gặp với ASEAN mà sẽ dự Hội nghị thượng đỉnh G20 và đến Việt Nam. Điều này phần nào cho thấy ông ưu tiên Việt Nam”.
Kỳ vọng hợp tác kinh tế
Trong các thông báo về sự kiện này, cả Việt Nam và Mỹ đều nhấn mạnh ưu tiên làm sâu sắc hơn nữa quan hệ song phương.
“Chúng tôi tin rằng các chuyến thăm của lãnh đạo cấp cao hai nước sẽ làm sâu sắc hơn nữa quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ, đưa quan hệ hai nước phát triển ổn định, thực chất và lâu dài trên tất cả các lĩnh vực, góp phần duy trì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển tại khu vực cũng như trên thế giới”, người phát ngôn Thu Hằng nói.
Về phía Mỹ, Nhà Trắng cho rằng lãnh đạo hai nước sẽ “tìm kiếm cơ hội thúc đẩy tăng trưởng cho nền kinh tế tập trung vào công nghệ và sáng tạo của Việt Nam, mở rộng quan hệ giao lưu nhân dân thông qua trao đổi giáo dục và các chương trình phát triển nhân lực, chống biến đổi khí hậu, thúc đẩy hòa bình, thịnh vượng và ổn định trong khu vực”.
TS Nguyễn Thành Trung nhận định Việt – Mỹ có nhiều ưu tiên chung trong việc phát triển quan hệ hợp tác, ví dụ ở lĩnh vực kinh tế xanh, kinh tế số, đặc biệt trong bối cảnh Washington dành nhiều nguồn lực cho chiến lược “friend-shoring” – thúc đẩy quan hệ sản xuất và chuỗi cung ứng giữa Mỹ và các quốc gia có mối quan hệ tốt đẹp.
Ngoài ra, theo TS Bhatt, Việt Nam và Mỹ đang nhìn thấy nhiều lợi ích chung, trong đó có những ưu tiên Washington đề cập ở chiến lược kinh tế mới hiện nay. “Y tế, năng lượng, khoa học, công nghệ, an ninh hàng hải… các lợi ích này đều là những vấn đề đang ngày càng liên quan và đòi hỏi các quan hệ hợp tác tương ứng”, bà nói với Tuổi Trẻ.
Trong bài phân tích về vấn đề này, TS Lê Hồng Hiệp lưu ý Mỹ đang là thị trường xuất khẩu lớn nhất và là đối tác thương mại lớn thứ hai của Việt Nam khi thương mại hai chiều đạt 124 tỉ USD trong năm 2022.
Chính sách ngoại giao cân bằng
Việc tiếp đón Tổng thống Biden và thúc đẩy quan hệ song phương Việt – Mỹ cũng phù hợp với chính sách ngoại giao cân bằng của Việt Nam. Theo TS Nguyễn Thành Trung, quan hệ hai nước đã phát triển tốt đẹp trên nhiều lĩnh vực, và việc thúc đẩy mối quan hệ này phản ánh chính sách cân bằng của Việt Nam trong ngoại giao với các nước lớn.
Tương tự, TS Lê Hồng Hiệp cũng nhận định việc thúc đẩy quan hệ với Mỹ là động thái đúng với chính sách đa phương hóa, đa dạng hóa của Việt Nam và chuyến thăm của ông Biden, dù là bước đi quan trọng cho quan hệ Việt – Mỹ, nhưng không phản ánh sự thay đổi lớn trong chiến lược của Việt Nam. Hiện nay Việt Nam cũng đang tìm cách nâng cấp quan hệ với các nước khác như Nhật Bản và Úc.
Nguồn: https://tuoitre.vn
- Sài Gòn Center và Ngân Hàng Vietinbank TP.HCM ký thoả thuận hợp tác cho khách hàng vay mua nhà dự án Green Valley City
- Một năm kinh tế nằm ngoài dự liệu của Fed
- Môi giới bất động sản rục rịch quay trở lại với nghề
- Ngân hàng đồng loạt báo lãi hàng chục ngàn tỉ đồng
- Bất động sản còn giảm giá tới khi nào?
- NHNN đã hút về 75.000 tỷ đồng từ kênh tín phiếu, quy mô lên bao nhiêu thì có thể ảnh hưởng thị trường chứng khoán?
- Dư nợ tín dụng bất động sản tăng liên tục, các giải pháp đã phát huy tác dụng?