Việt Nam được AEON nhận định sở hữu đầy đủ các yếu tố thuận lợi để tăng trưởng trong dài hạn và phát triển vượt bậc hơn một vài nước ở châu Á.
AEON Việt Nam vừa khai trương Siêu thị tinh gọn đầu tiên AEON Bình Dương New City tại Trung tâm Mua sắm SORA Gardens SC (thành phố mới Bình Dương). Siêu thị có diện tích 5.000m2, là một trong những chiến lược đầu tư chọn lọc của AEON Việt Nam nhằm đa dạng mô hình bán lẻ. Trước đó vào năm 2022, mô hình siêu thị tinh gọn lần đầu tiên đã được AEON Việt Nam ra mắt tại Hà Nội với tên gọi AEON The Nine.
AEON xác định Việt Nam là thị trường trọng điểm
AEON xác định Việt Nam là thị trường trọng điểm thứ 2 bên cạnh Nhật Bản trong chiến lược dài hạn. Ông Furusawa Yasuyuki – Tổng giám đốc AEON Việt Nam cho biết: “Đây là lần đầu tiên AEON Việt Nam ra mắt mô hình siêu thị tinh gọn ở khu vực phía Nam. Chúng tôi chọn thành phố mới Bình Dương vì nhận thấy khu vực này có tiềm năng kinh tế, và dân cư sẽ phát triển đông đúc trong thời gian tới. Do đó, AEON Việt Nam quyết định đầu tư ở thời điểm này, cho tầm nhìn 5-10 năm sau nữa chứ không chỉ hiện tại. Song song đó, AEON Việt Nam vẫn tiếp tục tìm kiếm vị trí phù hợp tại các tỉnh thành khác để mở thêm các địa điểm kinh doanh mới.”
Chiến lược dài hơi, AEON Việt Nam được biết đã lên chiến lược đầu tư chọn lọc các hoạt động kinh doanh, bao gồm việc phát triển sản phẩm nhãn hàng riêng và kênh thương mại điện tử. Việt Nam được AEON nhận định sở hữu đầy đủ các yếu tố thuận lợi để tăng trưởng trong dài hạn và phát triển vượt bậc hơn một vài nước ở châu Á. Bên cạnh đó, sau dịch Covid-19, thói quen và hành vi mua sắm của khách hàng cũng ngày càng thay đổi theo hướng ưu tiên sự tiện lợi, lựa chọn địa điểm gần nhà và thắt chặt chi tiêu, chú trọng mua sắm các sản phẩm thiết yếu phục vụ cuộc sống hàng ngày.
Thực tế, Việt Nam đã và đang là điểm đến đầy thu hút với các “ông lớn” bất động sản bán lẻ trong ngoài nước. Tại báo cáo mới công bố, Colliers nhấn mạnh việc MM Mega Market, Central Retail hay AEON Group đang tiếp tục trên đà mở mới các trung tâm thương mại (TTTM) và siêu thị trên cả nước.
“Cơn sốt” siêu thị, đại siêu thị tại Việt Nam
Với AEON, có thể kể đến dự án TTTM được đầu tư 250 triệu USD nằm ngay mặt tiền Quốc lộ 22 thuộc huyện Hóc Môn (Tp.HCM) với quy mô 30.000 m2. Xác định Việt Nam là thị trường trọng điểm, AEON Việt Nam hiện có đến 4 trung tâm bách hoá tổng hợp và siêu thị (quy mô rất lớn), 3 TTMS, 25 cửa hàng chuyên doanh và 13 siêu thị vừa & nhỏ.
Các tập đoàn bán lẻ Hàn Quốc cũng không giấy tham vọng đẩy mạnh hoạt động tại thị trường Việt Nam trong bối cảnh quan hệ Việt – Hàn ngày càng được thắt chặt. Điển hình nhất là dự án tổ hợp với quy mô 354.000m2 sàn – lớn nhất từ trước đến nay của Tập đoàn Lotte tại Việt Nam. Theo công bố của Lotte, tổ hợp Lotte Mall West Lake Hanoi tọa lạc tại đường Võ Chí Công thuộc quận Tây Hồ sẽ bắt đầu mở cửa thử nghiệm từ 28/7/2023 và chính thức khai trương vào 22/9/2023.
Trong số 233 thương hiệu góp mặt tại đây, 25 thương hiệu lần đầu tiên xuất hiện tại Việt Nam, 28 thương hiệu lần đầu có mặt tại Hà Nội và 32 cửa hàng flagship. Đặc biệt, tổ hợp sẽ bao gồm thủy cung Lotte World Aquarium quy mô 2 tầng, tổng diện tích hơn 9.000 m2. Đây là thủy cung trong nhà lớn nhất Hà Nội và thủy cung có bể vòm Acrylic lớn nhất Đông Nam Á. Lotte còn đang đầu tư dự án tổ hợp bao gồm trung tâm mua sắm, khách sạn, văn phòng, căn hộ tại khu đô thị mới Thủ Thiêm (Tp.HCM).
Trong chia sẻ gần đây, Tổng Giám đốc AEON Việt Nam đánh giá cao sự tăng cường hiện diện của Lotte, khi họ rời bỏ Trung Quốc và tập trung cho thị trường Việt Nam dự sẽ là đối thủ “đáng gờm” của AEON.
Ngoài ra, một “gã khổng lồ” bán lẻ Hàn Quốc khác là Shinsegae có kế hoạch mở cửa hàng Emart thứ ba tại Việt Nam theo hợp đồng nhượng quyền chính với tập đoàn THACO trong nửa cuối năm nay. Emart Việt Nam được Thaco mua lại từ đối tác Hàn vào năm 2021 và là mảnh ghép cuối cùng cho mô hình “Một điểm đến – Nhiều tiện ích”. Mô hình này theo giới thiệu bao gồm 4 khách sạn, văn phòng, trung tâm thương mại, trung tâm hội nghị kết hợp căn hộ để ở. Thaco không giấu tham vọng mở rộng hệ thống lên 14 điểm trải dài cả nước vào năm 2026.
Cùng với đó, các doanh nghiệp Việt Nam khác cũng đã và đang tiếp tục làm mới, mở rộng quy mô và loại hình đầu tư như Vincom Retail, Kido Group. Theo kế hoạch kinh doanh và hoạt động được thông qua tại Đại hội cổ đông hồi tháng 4 của Vincom Retail, hai TTTM mới là Vincom Mega Mall Grand Park (TP.Thủ Đức, TP.HCM) và Vincom Plaza Hà Giang (Hà Giang), với tổng diện tích mặt sàn bán lẻ 55.000 m2 dự kiến được khai trương trong năm nay.
Hôm 10/7, CTCP Vinhomes cũng công bố ra mắt siêu tổ hợp mua sắm – vui chơi – giải trí Mega Grand World ở Hà Nội, tọa lạc tại Ocean City, dự kiến khai trương vào tháng 12/2023 với quy mô gần 18,7 ha, gồm hơn 800 căn shop thương mại. Dù chưa chính thức ra mắt, hiện đã có 35.000m2 kinh doanh được giao dịch.
Một doanh nghiệp khác là SonKim Retail đã ký kết hợp đồng đầu tư trị giá 20 tỷ USD với Tổ chức tài chính quốc tế (IFC) nhằm đầu tư mở rộng hệ thống cửa hàng GS25 tại Việt Nam trong giai đoạn 2022 – 2025. Đây được xem là một trong những cột móc quan trọng cho kế hoạch phát triển, đầu tư của SonKim Retail.
Nguồn: https://cafef.vn
- Sài Gòn Center và Ngân Hàng Vietinbank TP.HCM ký thoả thuận hợp tác cho khách hàng vay mua nhà dự án Green Valley City
- Một năm kinh tế nằm ngoài dự liệu của Fed
- Tân Uyên là thành phố thứ tư của tỉnh Bình Dương
- Cận cảnh nhà máy hơn 1 tỷ USD của LEGO tại Bình Dương sắp tuyển lao động
- Tại sao máy tính chạy chậm? – Nguyên nhân và cách khắc phục
- Công nhân đội nắng thi công đường Vành đai 4 xuyên kỳ nghỉ lễ 30/4
- Hiệu trưởng giải trình vụ ‘bớt xén khẩu phần, 11 học sinh ăn 2 gói mì tôm’