Đó là những thông tin được UBND tỉnh Bình Dương thông tin đến báo chí tại buổi Họp báo thông tin tình hình kinh tế – xã hội, quốc phòng – an ninh 6 tháng đầu năm 2023 diễn ra vào chiều ngày 1-8, tại Trung tâm Hội nghị Triển lãm tỉnh.
Buổi họp báo do ông Nguyễn Lộc Hà – Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương; ông Võ Anh Tuấn – Chánh Văn phòng UBND tỉnh Bình Dương và ông Lê Tuấn Anh – Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Bình Dương chủ trì.
Toàn cảnh buổi họp báo. |
Nỗ lực vượt rào cản khó khăn
Theo báo cáo, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng 3,76% so với cùng kỳ năm 2022 (cùng kỳ tăng 5,97%); trong đó: công nghiệp – xây dựng tăng 2,94%; dịch vụ tăng 5,9%; nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,28%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 5,62%; chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 3% so với cùng kỳ. Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ ước đạt 151.240 tỷ đồng, tăng 13% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, kim ngạch xuất khẩu tiếp tục gặp nhiều khó khăn, các mặt hàng xuất khẩu chủ lực, các thị trường xuất khẩu chính tiếp tục giảm nhu cầu, cụ thể: kim ngạch xuất khẩu ước đạt 15 tỷ 108 triệu đô la Mỹ, giảm 17,4% so với cùng kỳ năm trước; kim ngạch nhập khẩu ước đạt 10 tỷ 785 triệu đô la Mỹ, giảm 14,7%.
Cạnh đó, tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội ước thực hiện 69.864 tỷ đồng, tăng 10,3% so với cùng kỳ; trong đó, vốn nhà nước 7.198 tỷ đồng, tăng 172%; vốn ngoài nhà nước 34.663 tỷ đồng, tăng 5,2%; vốn đầu tư nước ngoài 28.003 tỷ đồng, tăng 6,8%. Giá trị giải ngân vốn đầu tư công đến hết ngày 30/6/2023 đạt 5.286 tỷ đồng, đạt 24,3% kế hoạch HĐND tỉnh giao (cùng kỳ đạt 30,4% kế hoạch) và đạt 43,4% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.
Mặc dù tình hình kinh tế có nhiều khó khăn nhưng đầu tư trong nước và nước ngoài vẫn thu hút được các doanh nghiệp trong và ngoài nước: Đầu tư trong nước (đến 15/7/2023) thu hút 17.168 tỷ đồng, lũy kế 7 tháng đầu năm, đã thu hút được 52.472 tỷ đồng (tăng 16,5% so với cùng kỳ) (đến 30/6/2023); đầu tư nước ngoài đã thu hút 967 triệu đô la Mỹ (bằng 38% so với cùng kỳ, đạt 53,7% kế hoạch năm).
Ông Nguyễn Lộc Hà – Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương chủ trì buổi họp báo. |
Tuy nhiên, diễn biến bất lợi, khó lường của thế giới tiếp tục ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh và các động lực tăng trưởng: Sản xuất công nghiệp, đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu của tỉnh nên tăng trưởng tổng sản phẩm (GRDP) quý I chỉ tăng 1,15%, quý II tăng 5,73% là thấp hơn mức tăng cùng kỳ. Sản xuất và xuất khẩu của một số ngành công nghiệp chủ lực như dệt may, điện tử, đồ gỗ,… chững lại từ những tháng cuối năm 2022 cho đến nay do thị trường bị thu hẹp, cạnh tranh trên thị trường quốc tế gia tăng. Giá cả sản phẩm chăn nuôi vẫn thấp trong thời gian dài nên một số hộ dân, doanh nghiệp chăn nuôi hạn chế việc tái đàn, ảnh hưởng đến nguồn cung trong thời gian tới.
Cùng với đó, doanh nghiệp chưa kịp phục hồi sau đại dịch Covid-19 và tiếp tục gặp nhiều khó khăn mới: đơn hàng giảm mạnh, tồn kho tăng, khó tiếp cập vốn, chi phí lãi vay cao, nhiều doanh nghiệp phải cắt giảm nhân sự, thanh lý tài sản để giảm bớt khó khăn về dòng tiền, cố gắng duy trì hoạt động sản xuất, giữ chân người lao động, khách hàng, đối tác. Người lao động bị ảnh hưởng việc làm, các hộ kinh doanh dịch vụ lưu trú (nhà trọ) bị giảm công suất cho thuê phòng trong khi giá cả một số mặt hàng thiết yếu gia tăng đã ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của một bộ phận người dân. Tiến độ xây dựng, hoàn thiện các đề án lớn của ngành y tế, ngành giáo dục và đào tạo chậm so với kế hoạch.
Trước tình hình có nhiều khó khăn bất lợi cho việc phát triển kinh tế – xã hội, UBND tỉnh Bình Dương đã tập trung chỉ đạo làm việc với các sở, ngành, địa phương để quán triệt nhiệm vụ tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về đất đai, thủ tục đầu tư, kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính, hỗ trợ sản xuất kinh doanh, thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa. Phối hợp các địa phương trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nghiên cứu, triển khai các dự án giao thông kết nối, liên kết vùng; ký kết hợp tác thỏa thuận giữa Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh vùng Đông Nam Bộ; hợp tác phát triển kinh tế – xã hội giữa tỉnh Bình Dương và tỉnh Tây Ninh; đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công. Tổ chức các hoạt động phục vụ nhân dân đón Tết, đảm bảo an sinh xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Xây dựng kịch bản phát triển kinh tế để tăng tốc về đích năm 2023
Trong bối cảnh những khó khăn, thách thức lớn của thế giới tiếp tục ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh, xuất nhập khẩu, thu hút đầu tư. Bên cạnh đó, khả năng chống chịu của doanh nghiệp trong nước sau thời gian dài của dịch bệnh Covid-19 đã suy giảm. Để thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội, quốc phòng – an ninh năm 2023; các cấp, các ngành tỉnh Bình Dương nỗ lực, quyết tâm chỉ đạo, điều hành, chủ động, phối hợp chặt chẽ, phát huy những kết quả đạt được, tranh thủ mọi nguồn lực, cơ hội, tập trung hỗ trợ hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh và phát triển kinh tế – xã hội. 6 tháng cuối năm 2023, UBND tỉnh Bình Dương sẽ xây dựng kịch bản tăng trưởng kinh tế quý III và cả năm 2023 để có giải pháp phấn đấu hoàn thành tốt nhất các nhiệm vụ, kế hoạch đã đề ra.
Ông Võ Anh Tuấn – Chánh Văn phòng UBND tỉnh Bình Dương thông tin về phương hướng nhiệm vụ trọng tâm phát triển kinh tế – xã hội 6 tháng cuối năm của tỉnh Bình Dương. |
Cụ thể: Tổ chức tiếp xúc, làm việc trực tiếp với từng hiệp hội, doanh nghiệp, từng dự án để kịp thời tháo gỡ ngay các khó khăn, vướng mắc; hoàn thành trình, thẩm định, phê duyệt quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; lập Kế hoạch sử dụng đất 05 năm (2021 – 2025); tổ chức đấu giá một số khu đất đủ điều kiện; đẩy nhanh tiến độ thực hiện và hoàn thành đưa vào sử dụng dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 13, tạo lực Bắc Tân Uyên – Phú Giáo – Bàu Bàng; bệnh viện đa khoa 1.500 giường trong năm 2023; hoàn tất công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng đường Vành đai 3 (trong năm 2023), khởi công đường Vành đai 4 và cảng An Tây (đầu năm 2024, chào mừng kỷ niệm 27 năm tái lập tỉnh), cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh – Chơn Thành (khởi công trong quý 1/2024), đường ven sông Sài Gòn từ Thủ Dầu Một đến Thuận An, Trường Chính trị.
Đặc biệt, có giải pháp nâng cao khả năng tiếp cận vốn tín dụng của doanh nghiệp, người dân phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh. Tập trung giải ngân vốn đầu tư công, xác định đây là những nhiệm vụ chính trị trọng tâm, phấn đấu giải ngân đạt kế hoạch. Theo dõi chặt chẽ tình hình lao động bị mất việc làm, giảm giờ làm để có phương án kết nối cung cầu lao động, hỗ trợ người dân tìm kiếm việc làm. Thực hiện tốt công tác an sinh xã hội, quan tâm, chăm lo, hỗ trợ đời sống vật chất, tinh thần cho Nhân dân, đặc biệt là công nhân có hoàn cảnh khó khăn. Theo dõi chặt chẽ tình hình lao động bị mất việc làm, giảm giờ làm để có phương án kết nối cung cầu lao động, hỗ trợ người dân tìm kiếm việc làm.
Tại buổi họp báo, đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành, địa phương cũng đã trả lời các câu hỏi liên quan đến các vấn đề mà các cơ quan báo chí quan tâm như: Thông tin các vụ án, vụ việc trên địa bàn tỉnh; các chính sách hỗ trợ công nhân thất nghiệp; miễn giảm học phí cho con em công nhân lao động giảm giờ làm, mất việc làm; giải quyết các vướng mắc trong việc cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở; các vấn đề y tế; thông tin tiến độ các dự án Vành Đai 3, QL13;…
Phóng viên Lê Cúc – Tạp chí Kiểm sát trao đổi thông tin với lãnh đạo tỉnh Bình Dương tại buổi họp báo. |
Đại tá Ngô Xuân Phú, Phó Giám đốc Công an tỉnh Bình Dương thông tin về các vụ án được báo chí quan tâm. |
Nguồn: https://kiemsat.vn
- Sài Gòn Center và Ngân Hàng Vietinbank TP.HCM ký thoả thuận hợp tác cho khách hàng vay mua nhà dự án Green Valley City
- Một năm kinh tế nằm ngoài dự liệu của Fed
- Nghẹt thở cảnh cứu ngư dân gặp nạn trên biển do mưa to, gió lớn
- Tổng thống Putin nói Nga “hưởng lợi” từ lệnh cấm vận của phương Tây
- Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị: Bất động sản đã qua giai đoạn khó khăn nhất
- BHXH TP.HCM kêu gọi doanh nghiệp tặng thẻ BHYT cho người khó khăn
- Triển vọng ngành bất động sản tích cực hơn nhờ các yếu tố vĩ mô