Lạm phát giảm, tăng trưởng tín dụng thấp nhưng lãi suất cho vay vẫn ở mức cao, nên mới đây Thủ tướng yêu cầu ngân hàng cần tiếp tục nghiên cứu, điều chỉnh điều kiện cho vay thuận lợi hơn, tiết giảm chi phí để hạ lãi suất cho vay.
Lãi suất vẫn neo cao
Từ cuối tháng 2 đến nay, ông Lư Nguyễn Xuân Vũ, Tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn Xuân Nguyên, đã nhiều lần làm việc với hết ngân hàng (NH) này đến NH khác nhưng cũng chưa thể tiếp cận được vốn vay. Ông Vũ cho biết cách đây vài hôm có làm việc với một NH có vốn nhà nước lớn, nhưng cũng không mấy hy vọng vay được vốn. Bởi trước đó đã có một NH lớn đến làm việc với công ty ông, nhưng sau khi doanh nghiệp (DN) trình bày thực tế thì NH này cũng im lặng luôn.
“Để có vốn kinh doanh, các thành viên của công ty hiện đứng vay theo tư cách cá nhân. Tổng dư nợ trên 70 tỉ đồng, lãi suất vay từ 11,5 – 13,5%/năm. Trong trường hợp NH cho DN vay để sản xuất kinh doanh thì lãi vay có thể sẽ thấp hơn mức này nhiều”, ông Vũ chia sẻ và cho biết công ty có nhu cầu vốn 20 tỉ đồng cho đầu tư máy móc thiết bị để gia tăng sản lượng, chất lượng trong thời gian tới, nhưng với tình trạng khó tiếp cận vốn vay như trên thì kế hoạch này bị nghẽn lại. Đặc biệt, lãi vay cho đầu tư trên 10%/năm thì cũng không thể làm nổi.
Bà Lâm Thúy Ái, Chủ tịch HĐTV Công ty Sản xuất – Thương mại MEBIPHA, thông tin vừa rồi NH có vốn nhà nước giảm lãi suất cho vay khoản vay của công ty từ 9,2 – 9,5%/năm xuống còn 9%/năm. Nhưng một số DN xung quanh không được mức này, phải vay các NH cổ phần với lãi suất cao. Thường các nhà băng lấy lãi suất huy động cộng với biên độ 5%/năm. Nên lãi suất huy động chỉ cần 6 – 7%/năm, thì lãi vay cũng lên 11 – 12%/năm. Đó là chưa kể DN còn phải mua hợp đồng bảo hiểm, đóng phí đáo hạn hợp đồng 3% trên số tiền vay.
“Qua trao đổi với một số DN, đa số vẫn bị khó khăn ở vấn đề tài sản thế chấp, muốn vay thêm phải có tài sản thế chấp. Đó là chưa kể một số khoản vay cũ định giá lại tài sản bị giảm cũng làm giảm hạn mức vay. Ngoài ra, các DN cũng phải chứng minh dòng tiền, phương án vay… nên tiếp cận vốn vẫn đang hết sức khó khăn”, bà Ái nhận xét.
Thực tế, lãi suất cho vay trên thị trường hiện nay đang dần đi xuống so với đầu năm nhưng vẫn được đánh giá ở mức quá cao. Ngoài một số khách hàng ưu tiên tiếp cận mức lãi vay 7 – 8%/năm, lãi suất cho vay phổ biến trên thị trường hiện nay đối với các DN vào khoảng 9 – 10%/năm. Cá nhân vay sẽ có mức cao hơn, từ 10 – 15%/năm. Trong khi đó, tốc độ giảm lãi suất huy động trên thị trường hiện nay so với đầu năm khá nhanh. Đối với các kỳ hạn gửi tiền dưới 6 tháng giảm từ 1,25 – 2,6%/năm, xuống còn 3,4 – 4,75%/năm. Kỳ hạn huy động tiết kiệm tiền đồng từ 6 tháng trở lên giảm từ 2 – 4%/năm, hiện nay dao động từ 5 – 8%/năm.
Nhiều dư địa giảm lãi suất
Nhìn trên cả cục diện thị trường, dư địa giảm lãi vay vẫn còn khá rộng. Đơn cử, lạm phát cơ bản tháng 6.2023 tăng 0,24% so với tháng trước, tăng 4,33% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân 6 tháng đầu năm 2023, lạm phát cơ bản tăng 4,74% so với cùng kỳ năm 2022 (từ mức tăng 5,21% tháng 1). Xu hướng lạm phát giảm ngày càng rõ nét.
Ông Lê Đạt Chí, Trưởng khoa Tài chính – Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, cho rằng nhiều tháng trở lại đây vấn đề lãi suất vay cao được kêu gọi, “gào thét” giảm để hỗ trợ kinh tế nhưng không ăn thua. Thậm chí, bất chấp NH Nhà nước 4 lần giảm lãi suất điều hành, tăng trưởng tín dụng thấp, đồng nghĩa với NH phải dư thừa vốn và lãi suất vay phải đi xuống.
Nhiều nước thậm chí duy trì cả lãi suất thực âm để hỗ trợ nền kinh tế, trong khi VN lại duy trì mức thực dương cao là không có lợi cho nền kinh tế. Đây là vấn đề cần phải xem xét nếu quyết tâm hạ lãi vay.
Ông Lê Đạt Chí
“Thế nhưng tại sao lãi vay vẫn ở mức cao?”, ông Chí đặt vấn đề và lý giải sở dĩ có nghịch lý này là vì các NH cho vay “sân sau” hay NH trong “bóng tối” (cho vay chứng khoán, quỹ đầu tư) thì vốn dù đổ bao nhiêu đi nữa cũng không đủ. Vì thế, lãi suất vay khó giảm.
Theo ông, khi lạm phát đi xuống cũng như kỳ vọng lạm phát giảm sẽ là dư địa cho lãi suất giảm theo. Thế nhưng lãi suất ở VN vừa qua có mức thực dương quá cao đã gây ra không ít bất lợi cho nền kinh tế. Với mức lãi suất huy động hiện nay từ 7 – 8%/năm, lãi suất thực dương vào khoảng 4 – 5%. Để có thể giảm lãi suất cho vay xuống 7 – 8%/năm thì lãi suất huy động chỉ ở mức 6%/năm là phù hợp. Ngoài ra, cung tiền hiện nay đang ở mức khá thấp, nên cần đẩy cung tiền tăng, tạo thanh khoản cho nền kinh tế.
Báo cáo tăng trưởng kinh tế VN quý 2/2023, được thực hiện bởi bộ phận Nghiên cứu kinh tế và thị trường toàn cầu của UOB, đưa ra dự đoán NH Nhà nước sẽ giảm thêm lãi suất điều hành thêm 1% trong quý 3/2023, xuống 3,5% đối với lãi suất tái cấp vốn (hiện nay đang là 4,5%/năm). Bởi lạm phát, chỉ số giá tiêu dùng của VN giảm sâu xuống mức 2,4% trong quý 2 từ mức 4,18% trong quý 1, thấp hơn mục tiêu 4,5% của Chính phủ. Lạm phát cơ bản (không bao gồm giá thực phẩm, năng lượng và các dịch vụ công khác) đã giảm xuống mức 4,48% trong quý 2/2023 từ mức 5,01% trong quý 1/2023, tạo cơ hội cho ngân hàng trung ương nới lỏng thêm chính sách tiền tệ của mình trong nửa đầu năm.
Nguồn: https://thanhnien.vn
- Sài Gòn Center và Ngân Hàng Vietinbank TP.HCM ký thoả thuận hợp tác cho khách hàng vay mua nhà dự án Green Valley City
- Một năm kinh tế nằm ngoài dự liệu của Fed
- Chia Sẻ Thủ Thuật, Game, Phần Mềm, Phim Ảnh Mới Nhất Hiện Nay
- Tiếp sức doanh nghiệp tìm lại đà tăng trưởng
- Thủ tướng chỉ đạo hàng loạt giải pháp quyết liệt, đồng bộ để tháo gỡ khó khăn về tín dụng
- Ngân hàng Silicon Valley sụp đổ, nhà đầu tư chấn động
- Bình Dương sẽ có thêm gần 42.000 căn nhà ở xã hội trong giai đoạn 2021 – 2025