Theo báo cáo của Bộ Xây dựng về tình hình nhà ở và thị trường bất động sản quý đầu năm 2023, các doanh nghiệp bất động sản đang gặp rất nhiều khó khăn, thách thức và phải thay đổi phương án kinh doanh, quản lý, như: Tái cơ cấu nợ, tái cơ cấu hoạt động kinh doanh, thu hẹp quy mô đầu tư, tinh giản tối đa bộ máy, giảm lực lượng lao động… Nhiều doanh nghiệp dừng triển khai các dự án mới, dừng phát hành cổ phiếu tăng vốn, có doanh nghiệp giảm đến 50% lao động, cắt giảm 20 – 50% chế độ lương…
Những khó khăn lớn doanh nghiệp đang gặp phải như: Pháp lý; Tiếp cận nguồn vốn vay tín dụng, phát hành trái phiếu và huy động vốn của khách hàng; Lãi suất cho vay, tỷ giá ngoại tệ, giá xăng dầu, giá vật liệu xây dựng tăng…
Dù đã gần hết quý II nhưng những tín hiệu khởi sắc trên thị trường bất động sản vẫn chưa rõ ràng. Nguyên nhân là bởi “cơn bão lớn” đi qua đã và đang để lại những ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường.
Theo dữ liệu thị trường 4 tháng đầu năm 2023 của Batdongsan.com.vn, nhu cầu tìm kiếm bất động sản (BĐS) trên toàn quốc giảm 34%, lượng tin đăng BĐS cũng giảm 42% so với cùng kỳ năm trước, chứng tỏ nhu cầu và nguồn cung BĐS đều gặp nhiều thử thách trong bối cảnh khó khăn chung của toàn thị trường BĐS. Trong đó, các loại hình bị ảnh hưởng nhiều nhất là đất dự án, đất nền và nhà mặt phố. Cụ thể, tháng 4/2023 tiếp tục chứng kiến mức độ quan tâm đến đất dự án, đất nền và nhà mặt phố giảm lần lượt 17%, 8% và 12% so với tháng liền trước.
Xu hướng chung của nhà đầu tư và người mua BĐS đầu năm nay là chờ đợi và nghe ngóng. Báo cáo quý I/2023 từ Batdongsan.com.vn cho thấy 43% người có nhu cầu mua ở thực đang tiếp tục chờ BĐS giảm giá, 65% nhà đầu tư đang giữ BĐS, chờ thị trường ổn định hoặc ngưng đầu tư, giữ tiền chờ thời.
Đối với hoạt động các doanh nghiệp, Tổng cục thống kê ghi nhận, sau 5 tháng đầu năm 2023, số lượng các doanh nghiệp kinh doanh BĐS giải thể lên tới 554, tăng 30,4% so với cùng kỳ 2022. Trong khi đó, lượng doanh nghiệp thành lập mới là 1.744 doanh nghiệp, giảm 61,4%.
Mặc dù các bên mua, bán, đầu tư và kinh doanh BĐS đều đang đối diện nhiều thách thức, thị trường hiện tại cũng chứng kiến một số điểm tích cực hơn so với quý I/2023. Chỉ trong vòng một tháng, Chính phủ đã liên tiếp ban hành 4 quyết sách quan trọng hỗ trợ thị trường BĐS, bao gồm Nghị định 08 về tháo gỡ trái phiếu doanh nghiệp; Nghị quyết 33 về thúc đẩy thị trường BĐS phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững. Đề án 338 về đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội từ nay đến năm 2030. Nghị định số 10 hướng dẫn thi hành Luật đất đai, bổ sung quy định về cấp quyền sở hữu cho BĐS du lịch nghỉ dưỡng.
Thị trường bất động sản sẽ ‘bớt khó’ hơn từ quý III trở đi
Ông Nguyễn Quốc Anh, Phó Tổng Giám đốc Batdongsan.com.vn đưa ra nhận định, nhu cầu thực đối với BĐS vẫn có và những chính sách tốt hỗ trợ thị trường đã tạo ra cú hích tương đối, do đó, tôi đánh giá thời điểm khó khăn nhất của thị trường BĐS đã qua. Theo dữ liệu mà chúng tôi có được, trong tháng 5/2023, nguồn cung và lượng quan tâm tìm kiếm một số loại hình BĐS đã có dấu hiệu khả quan hơn.
Trong khi đó, ông Joe Dische, Giám đốc Tài chính Tập đoàn PropertyGuru chia sẻ trên VTV: “Những thách thức hiện tại của thị trường BĐS Việt Nam đã được chúng tôi lường trước, tuy nhiên chúng tôi đánh giá đó chỉ là khó khăn trong ngắn hạn và thị trường đang chứng kiến những dấu hiệu tích cực nhờ động thái nhanh chóng của Chính phủ, vì vậy những áp lực này sẽ bắt đầu giảm bớt vào nửa cuối năm 2023 và đầu năm 2024”.
TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính – tiền tệ Quốc gia cũng đưa ra những nhận định lạc quan về thị trường bất động sản sắp tới. Chia sẻ trên Reatimes.vn, ông Võ Trí Thành cho biết, có 2 lý do cơ bản ảnh hưởng đến thị trường bất động sản mà chúng ta đang nhìn nhận, đánh giá. Thứ nhất là nhóm biến số từ bên ngoài. Áp lực do các điều kiện tài chính tiền tệ có thể “đỡ đi” do mức tăng lãi suất ít hơn, lạm phát đã qua đỉnh. Mặc dù tăng trưởng kém hơn cùng kỳ nhưng có thể sự suy thoái không quá nặng nề và nếu có thì cũng ở mức độ nhẹ. Hiện nay, trên thế giới có một số nền kinh tế tăng trưởng tốt, như trường hợp Trung Quốc cũng sẽ có tác động tích cực hơn đến kinh tế toàn cầu.
Thứ hai là nhóm biến số trong nước. Bên cạnh những chính sách đã được ban hành thì chúng ta đang rất kỳ vọng vào việc giải quyết vấn đề liên quan đến tài chính tiền tệ, thanh khoản, tỷ giá lãi suất, thị trường trái phiếu và bất động sản.
Hiện nay, thanh khoản tại hệ thống ngân hàng đang dần có sự cải thiện, cộng với áp lực lạm phát, lãi suất điều hành, lãi suất ngân hàng đang có chiều hướng giảm. Nếu những điều kiện từ bên ngoài diễn ra thuận lợi thì lãi suất được kỳ vọng sẽ tiếp tục giảm mạnh hơn nữa trong thời gian tới.
Tất nhiên, 2023 là năm mà không thể có lãi suất thấp được. Như vậy, các giải pháp từ pháp lý đến hỗ trợ tài chính chung hay từng gói hỗ trợ riêng lẻ cũng như quyết tâm tái cấu trúc thị trường bất động sản được kỳ vọng sẽ dần dần được hiện thực hóa và đi vào cuộc sống. Cùng với đó, nếu đầu tư công, cơ chế đặc thù cho từng địa phương phát huy tốt thì nửa cuối năm, thị trường bất động sản sẽ “bớt khó” hơn.
“Theo tôi, hiện nay, các điều kiện và biến số dự báo chưa mang tính bao trùm phổ quát, thế giới rất bất định. Nếu điều kiện bên ngoài không quá xấu, áp lực giảm dần thì từ quý III/2023 sẽ có những tín hiệu tích cực ở một số lĩnh vực của nền kinh tế, kể cả thị trường bất động sản. Và nếu điều kiện bên ngoài thuận lợi thì chắc chắn ngân hàng thương mại sẽ tiếp tục giảm lãi suất.
Lý do tiếp theo là cho đến nay, đầu tư công vẫn chậm. Nhưng như tôi đã nói, nếu so với trước đây thì đầu tư công đang có sự tích cực hơn, mặc dù vẫn còn chậm so với kế hoạch.
Một điều quan trọng nữa là cơ chế đặc thù cho “đầu tàu” kinh tế TP HCM. Dù cơ chế đặc thù chưa hoàn hảo, vì nhiều người mong muốn phải mang tính đột phá hơn nữa nhưng cơ chế lại có 2 khía cạnh: Một là, để xử lý, vượt qua những khó khăn tồn đọng ở hiện tại, vướng mắc của hàng trăm dự án bất động sản. Hai là, những điểm đột phá mới để thúc đẩy đầu tư, tăng trưởng.
TP HCM cũng đang nỗ lực sẵn sàng chuẩn bị triển khai cơ chế đặc thù nếu được Quốc hội thông qua trong kỳ họp này. Khi đó, đến quý III chắc chắn sẽ bộc lộ được những điểm tích cực. Hàng trăm dự án sẽ được triển khai, bổ sung nguồn cung cho thị trường bất động sản.
Tôi cho rằng, đây chưa phải là tất cả những diễn biến của thị trường bất động sản, nhưng “ánh sáng vẫn sẽ xuất hiện trên bầu trời đang u ám”. Bên cạnh đó, còn một vấn đề chúng ta cũng phải quan tâm, đó là việc thanh tra, kiểm tra các dự án. Nếu kết thúc sớm được quá trình này thì sẽ giải tỏa được rất lớn tâm lý cho thị trường”, TS. Võ Trí Thành cho hay.
Nguồn: https://doanhnhanvn.vn
- Sài Gòn Center và Ngân Hàng Vietinbank TP.HCM ký thoả thuận hợp tác cho khách hàng vay mua nhà dự án Green Valley City
- Một năm kinh tế nằm ngoài dự liệu của Fed
- Giá bất động sản đang loanh quanh “vùng đáy”, cơ hội cho nhà đầu tư xuống tiền?
- Nhiều ngân hàng công bố giảm mạnh lãi suất cho vay
- Mục tiêu xây dựng 130.000 căn nhà ở xã hội có khả thi?
- Công an theo sát dấu vết kẻ giết người ở Hóc Môn
- Quy định mới về thi giấy phép lái xe các hạng từ 1/6