Chuyển đổi số ngân hàng: Kết nối liên thông mang lại lợi ích cho người dân, doanh nghiệp

163 lượt xem - Posted on
Ngày 18/5, tại Hà Nội đã diễn ra sự kiện Ngày Chuyển đổi số ngành ngân hàng năm 2023 do Ngân hàng Nhà nước tổ chức.

Phát biểu tại sự kiện, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái yêu cầu Ngân hàng Nhà nước cần phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương để nghiên cứu, thiết lập hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, thống nhất nhằm tạo thuận lợi và thúc đẩy kết nối liên thông, mang lợi ích tổng thể cho người dân, doanh nghiệp.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh, chuyển đổi số lấy người dân là trung tâm và chủ thể nên cần có sự kết nối, liên kết giữa ngành ngân hàng. Cụ thể là các ngân hàng thương mại, trung gian thanh toán với các ngành, lĩnh vực khác, nhất là kết nối với cổng dịch vụ công quốc gia, hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính, cổng dịch vụ công của các bộ, ngành, địa phương để thúc đẩy người dân, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công trực tuyến, thanh toán không dùng tiền mặt.Phó Thủ tướng chỉ đạo, ngành ngân hàng cần tiếp tục chủ động nắm bắt nhu cầu thực tiễn của người dân, doanh nghiệp, các tổ chức tín dụng để xây dựng, hoàn thiện các văn bản pháp lý phù hợp với thực tiễn và bối cảnh chuyển đổi số. Từ đó, tạo thuận lợi cho ứng dụng công nghệ số vào hoạt động kinh doanh, cung ứng sản phẩm, dịch vụ ngân hàng để nâng cao hiệu quả hoạt động và tạo sự hài lòng, gắn bó của khách hàngTheo Phó Thủ tướng, chuyển đổi số phải được thực hiện một cách tổng thể để bảo đảm hiệu quả, tránh lãnh phí nguồn lực. Vì vậy, Ngân hàng Nhà nước cần tiếp tục đẩy mạnh đầu tư, phát triển các hạ tầng dùng chung của ngành; trong đó, hạt nhân là hạ tầng thanh toán, hạ tầng thông tin tín dụng, phải theo kịp và đáp ứng được nhu cầu phát triển của các hệ thống vệ tinh là các tổ chức tín dụng, trung gian thanh toán.

Bên cạnh đó, xu hướng toàn cầu hoá, chuyển đổi số cũng sẽ đi liền với rủi ro về tội phạm công nghệ cao, an ninh tiền tệ ngày càng gia tăng với các thủ đoạn tinh vi, diễn biến phức tạp. Vì vậy, việc bảo đảm an ninh, an toàn cho hoạt động ngân hàng cần được quan tâm chú trọng, có sự cân bằng hợp lý giữa đầu tư phát triển sản phẩm, dịch vụ với đầu tư cho bảo đảm an ninh, an toàn hệ thống công nghệ thông tin; giữa trải nghiệm, thuận tiện khách hàng với bảo mật dữ liệu, bảo vệ khách hàng khi giao dịch trên kênh số.
“Ngân hàng Nhà nước cần phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông để bảo đảm an toàn, an ninh, ngăn chặn kịp thời các đối tượng tấn công có chủ đích vào hệ thống ngân hàng”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết: với Chủ đề thông điệp “Ứng dụng dữ liệu dân cư trong hoạt động ngân hàng – động lực thúc đẩy chuyển đổi số” tại sự kiện Ngày chuyển đổi số lần này, Ngân hàng Nhà nước khẳng định sự quyết tâm của ngành trong việc tiếp tục triển khai hiệu quả các nhiệm vụ tại Đề án 06 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030.

Theo Thống đốc Nguyễn Thị Hồng, Ngân hàng Nhà nước đã kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư làm sạch 25 triệu khách hàng thông tin tín dụng và phục vụ cho nhiều hoạt động nghiệp vụ khác. Các tổ chức tín dụng đã không ngừng nghiên cứu, ứng dụng rộng rãi các công nghệ số tiên tiến như dữ liệu lớn, phân tích dữ liệu, trí tuệ nhân tạo, học máy…. nhằm tối ưu hóa, đơn giản hóa quy trình nghiệp vụ, cung ứng sản phẩm – dịch vụ mang tính cá nhân hóa cao, phù hợp với nhu cầu, hành trình khách hàng.

“Nhiều tổ chức tín dụng đã triển khai các giải pháp cho phép khách hàng mở tài khoản thanh toán dựa trên xác thực dữ liệu dân cư; cho phép định danh, xác minh thông tin khách hàng bằng thẻ căn cước công dân – căn cước công dân gắn chíp hoặc VneID (ứng dụng trên các thiết bị di động ra đời nhằm thay thế những giấy tờ truyền thống); làm sạch thông tin khách hàng với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; tối ưu quá trình cho vay bằng các giải pháp chấm điểm tín dụng, xác thực thông tin đa chiều bằng dữ liệu dân cư…”, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng nói.
Theo Thống đốc, nhiều tổ chức tín dụng có hiệu quả hoạt động tốt nhờ tích cực chuyển đổi số, giảm tỷ lệ chi phí trên thu nhập (CIR) xuống ngưỡng 30%, tiệm cận tỷ lệ mà nhiều ngân hàng khu vực, quốc tế đang nỗ lực hướng tới; đảm bảo an ninh, an toàn hệ thống công nghệ thông tin được chú trọng; các chỉ số thanh toán không dùng tiền mặt tăng cao về số lượng và giá trị giao dịch.

Dưới góc độ của một ngân hàng thương mại, ông Trần Công Quỳnh Lân, Phó Tổng giám đốc VietinBank cho biết, trước đây khi sử dụng giấy tờ tùy thân là chứng minh nhân dân, kẻ gian có thể giả mạo giấy tờ tuỳ thân, thay ảnh chứng minh nhân dân để mở tài khoản ngân hàng. Do vậy, để chăm sóc khách hàng tốt hơn cũng như ngăn chặn tình trạng sử dụng tài khoản giả mạo để luân chuyển dòng tiền, việc “làm sạch” dữ liệu là vô cùng cần thiết.

Theo ông Trần Công Quỳnh Lân, khi dữ liệu khách hàng được làm sạch và chuẩn hóa sẽ giúp ngân hàng dọn dẹp được tài khoản rác. Tài khoản đã được định danh, xác thực giao dịch bằng số tài khoản thì khi tội phạm đánh cắp được thông tin tài khoản của khách hàng cũng không thể thực hiện giao dịch tài chính vì không khớp đúng dữ liệu số tài khoản. Điều này giảm thiểu rủi ro, tổn thất tài chính của khách hàng, ngăn chặn tội phạm.

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, ngành ngân hàng có 2 loại tài sản lớn, một loại đang được sử dụng rất hiệu quả là tiền và một loại chưa được khai thác hết công suất là dữ liệu. Dữ liệu là một loại tài nguyên mới, có người gọi là “dầu mỏ” có người gọi là “đầu vào mới của sản xuất”, tương tự như đất. Ngân hàng là ngành có nhiều dữ liệu nhất và  đang được tăng lên từng ngày.

“Ngành ngân hàng “canh tác” trên mảnh đất mới này thì sẽ tạo ra rất nhiều giá trị mới cho đất nước. Dữ liệu được đánh thức cũng giống như con hổ được đánh thức sẽ tạo ra những đột phá cho ngành ngân hàng, trở thành ngành đi đầu trong phân tích dữ liệu lớn”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nói.
Thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục tập trung rà soát, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý tạo thuận lợi cho hoạt động chuyển đổi số ngân hàng, đảm bảo sự vận hành thông suốt, an toàn của các hệ thống thanh toán.

Cùng với đó, thúc đẩy ứng dụng công nghệ số, khai thác hiệu quả dữ liệu trong thiết kế, phát triển và cung ứng sản phẩm, dịch vụ tiện ích phù hợp với nhu cầu, hành vi của từng nhóm đối tượng khách hàng đi cùng với đảm bảo an ninh an toàn và bảo mật thông tin khách hàng./.

Nguồn: https://bnews.vn

Bài viết cùng chủ đề:

Bạn đang xem Chuyển đổi số ngân hàng: Kết nối liên thông mang lại lợi ích cho người dân, doanh nghiệptrên Express 24h chuyên trang tin tức uy tín hàng đầu việt nam

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *