Bảo vệ sức khỏe thế nào khi ‘sống chung’ với Covid-19?

190 lượt xem - Posted on

Không lơ là các biện pháp phòng dịch, giảm tăng nặng và tử vong, tránh quá tải y tế là một trong những ưu tiên phòng chống dịch Covid-19 trong bối cảnh dịch bệnh này có thể là lâu dài.

Theo GS-TS Phan Trọng Lân, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), trên thế giới cũng như VN, hiện biến thể Omicron vẫn chiếm ưu thế. Omicron đã xuất hiện được 16 tháng với hơn 500 biến thể phụ khác nhau. Một số biến thể phụ phổ biến đang lưu hành hầu hết các nơi trên thế giới và đang chiếm ưu thế như BA.2.75, CH.1.1, BQ.1, XBB, XBB.1.16, XBB.1.9.1, XBB.1.5, XBF. Tại VN, các xét nghiệm giải trình tự gien cho thấy hầu hết các biến thể phụ chiếm ưu thế tại các quốc gia thì VN cũng đã ghi nhận, trong đó biến thể phụ XBB.1.5 ghi nhận tại TP.HCM đã phát hiện tại 95 quốc gia.

Theo một chuyên gia y tế dự phòng của Bộ Y tế, hơn 3 năm xuất hiện, đến nay chưa thể đánh giá được “tương lai” của SARS-CoV-2 về tính chất (khả năng lây nhiễm, độc lực…) cũng như “tuổi thọ”. Từng có biến thể của SARS-CoV-2 xuất hiện với độc lực mạnh nhưng sau đó lại hầu như không ghi nhận, hiện chiếm ưu thế lại là Omicron với khoảng 500 biến thể phụ. Với sự biến đổi khó lường, vi rút gây đại dịch Covid-19 có thể tồn tại lâu dài và lây nhiễm trong cộng đồng, do đó các quốc gia cần thích ứng.

Bảo vệ sức khỏe thế nào khi 'sống chung' với Covid-19? - Ảnh 1.

Mọi người cần thực hiện các biện pháp phòng bệnh như đeo khẩu trang nơi công cộng, thường xuyên khử khuẩn tay

Nhật Thịnh

Các ca bệnh chuyển nặng đều có bệnh nền

Theo thông báo mới nhất của Bộ Y tế, trong nước các ngày gần đây mỗi ngày có 14 – 20 ca Covid-19 nặng phải thở máy xâm lấn, ngày gần nhất 22.4 có 24 ca.

Trực tiếp tiếp nhận, điều trị bệnh nhân Covid-19, đại diện lãnh đạo Bệnh viện (BV) Bệnh nhiệt đới T.Ư (Hà Nội) cho hay thời điểm tháng 1.2023 BV tiếp nhận điều trị 20 ca bệnh Covid-19, tháng 2 là 21 ca, tháng 3 tăng lên 45 ca. Tháng 4 số ca tăng như sau: tuần đầu có 47 ca, tuần 2 tăng lên 85 ca, gần đây có thời điểm gần 150 ca. Đáng lưu ý, các ca chuyển nặng hầu hết là người trên 70 tuổi, đa phần có bệnh nền kèm theo như tiểu đường, huyết áp, lao, COPD, viêm gan, xơ gan…

Phó cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) Nguyễn Trọng Khoa cho biết các BV vẫn duy trì chủ trương sàng lọc tại các khoa nguy cơ cao như hồi sức tích cực, lọc máu và hậu phẫu. Nếu bệnh nhân có dấu hiệu lâm sàng Covid-19, cần xét nghiệm sàng lọc ngay để tách bệnh nhân ra khu vực riêng, tránh lây lan dịch bệnh. Cục đang phối hợp các chuyên gia để rà soát, cập nhật lại hướng dẫn điều trị Covid-19 phù hợp tình hình mới. Các BV tuyến trên đang duy trì hiệu quả công tác hỗ trợ chuyên môn cho tuyến dưới (đường dây nóng tư vấn, hội chẩn từ xa…) để phân tầng điều trị, chuyển bệnh nhân phù hợp.

VN là một trong những quốc gia có tỷ lệ bao phủ vắc xin Covid-19 cao nhất thế giới, và điều đó cũng là yếu tố quan trọng để VN có thể thích ứng, kiểm soát dịch hiệu quả.

GS-TS Phan Trọng Lân, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng

2K, vắc xin và các biện pháp khác

Theo nhận định của một số chuyên gia y tế, đến nay các biến thể phụ của Omicron có nhiều điểm chung là đều có khả năng lây truyền cao, gây ra các triệu chứng ở đường hô hấp trên, có khả năng tránh được miễn dịch. Tuy nhiên, các biến thể phụ mới hiện có xu hướng gây ra bệnh ít nghiêm trọng hơn so với các biến thể trước đây. Thời gian qua, chủng Omicron xuất hiện thêm các biến thể phụ mới XBB.1.5 và XBB.1.16 dẫn tới sự gia tăng số ca nhiễm ở một số quốc gia, song tỷ lệ nhập viện, tử vong thấp so với trước đó.

GS-TS Phan Trọng Lân cho biết VN là một trong những quốc gia có tỷ lệ bao phủ vắc xin Covid-19 cao nhất thế giới, và điều đó cũng là yếu tố quan trọng để VN có thể thích ứng, kiểm soát dịch hiệu quả.

“Với biến thể Omicron, vắc xin vẫn có hiệu quả phòng chuyển nặng, nhập viện, tử vong. Do đó, người dân cần tiêm chủng đầy đủ theo đúng khuyến cáo của ngành y tế”, GS Lân lưu ý.

Theo đại diện Bộ Y tế, với diễn biến dịch bây giờ, không chống dịch tuyệt đối “zero Covid” mà cần thích ứng, chú trọng giảm các ca bệnh nặng, giảm tử vong và giảm quá tải BV; thực hiện xử lý ổ dịch tại nguồn. Chính quyền các địa phương cần chỉ đạo xử lý ổ dịch nếu phát hiện tại địa phương. “Bây giờ gần như không khả thi nếu áp dụng cách ly, ngăn sông cấm chợ để chống dịch”, chuyên gia của Bộ Y tế nhận định.

Theo chuyên gia này, chúng ta không nên cực đoan chống dịch, nhưng cũng tuyệt đối không chủ quan vì có thể sẽ có biến thể khác ngoài Omicron và có thể dẫn sang kịch bản xuất hiện biến thể mới gây tăng nặng, lây lan nhanh khiến thuốc, vắc xin, chẩn đoán không hiệu quả. Chỉ cần một trong các yếu tố này cũng sẽ khiến việc chống dịch rất vất vả, đặc biệt nếu vắc xin không còn hiệu quả.

Vắc xin Covid-19 hiện vẫn giúp giảm nặng và tử vong với các biến thể phụ. Do đó, mỗi người cần tiêm chủng đầy đủ các mũi vắc xin theo hướng dẫn của cơ quan y tế. Bên cạnh đó, các địa phương cần rà soát cấp độ dịch để khoanh vùng, xử lý kịp thời.

Một số chuyên gia cũng nhìn nhận số ca mắc Covid-19 phụ thuộc vào ý thức của người dân. Nếu mọi người đều có ý thức thực hiện các biện pháp phòng chống dịch gồm 2K (khẩu trang: đeo khẩu trang ở cơ sở y tế, phương tiện công cộng, môi trường kín, nơi tập trung đông người; khử khuẩn) và vắc xin thì số ca mắc, đặc biệt số ca tăng nặng, sẽ được kiểm soát hiệu quả.

Sắp tới là kỳ nghỉ lễ, người dân đi lại nhiều, lưu ý cần thực hiện các biện pháp phòng bệnh, đeo khẩu trang nơi công cộng; người nguy cơ cao cần đặc biệt chú trọng các biện pháp bảo vệ khỏi lây nhiễm Covid-19.

Bạn đang xem Bảo vệ sức khỏe thế nào khi ‘sống chung’ với Covid-19?trên Express 24h chuyên trang tin tức uy tín hàng đầu việt nam

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *