Chủ đầu tư bỏ tiền xây dựng thì hoàn toàn có quyền tự quyết tài sản của mình sẽ bán theo hình thức nào. Ảnh: Gia Miêu
Quy định giao dịch bất động sản phải thông qua sàn giao dịch tại dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) đang nhận được nhiều ý kiến trái chiều.
So với Luật Kinh doanh bất động sản năm 2014, khoản 1 Điều 57 dự thảo luật quy định hai trường hợp kinh doanh phải thông qua sàn giao dịch bất động sản là: bán, cho thuê, mua nhà ở, công trình xây dựng hình thành trong tương lai; và chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại quyền sử dụng đất đã có hạ tầng kỹ thuật trong dự án bất động sản.
Hiện nay đang còn nhiều ý kiến khác nhau về nội dung chi tiết những giao dịch nào cần buộc phải thông qua sàn giao dịch. Ông Nguyễn Văn Dũng – Giám đốc Công ty bất động sản Trường Phát, TP. Hồ Chí Minh cho rằng, dự thảo luật không nên quy định mọi giao dịch bất động sản phải qua sàn. Giao dịch qua sàn sẽ chỉ mang lại lợi ích nhóm cho các sàn giao dịch, không làm gì vẫn được thu phí. Mặt bằng chung các sàn giao dịch bất động sản hiện nay chất lượng rất thấp, nhiều sàn giao dịch thậm chí thuê mướn văn phòng làm sàn giao dịch và chẳng có tài sản. Trong khi đó, chủ đầu tư làm dự án bỏ ra cả ngàn tỉ đồng, chứng minh năng lực, vốn nhưng bây giờ bắt buộc phải bán sản phẩm do mình phát triển qua sàn thì thật sự không hợp lý.
Nên để các doanh nghiệp tự quyết định hình thức phân phối sản phẩm, doanh nghiệp có thể bán qua sàn hoặc nếu tự chủ, có năng lực sẽ tự phân phối sản phẩm của mình, ông Dũng nêu quan điểm.
Ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh (HoREA) – cho biết, khoản 1 Điều 57 Dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) quy định đã hợp lý hơn. Tuy nhiên, cần thiết bổ sung trường hợp cá nhân, hộ gia đình tự thực hiện hoặc liên kết, hợp tác với “đầu nậu”, doanh nghiệp bất động sản để “phân lô, bán nền” phải thực hiện giao dịch thông qua sàn giao dịch bất động sản. Việc bổ sung này sẽ bảo vệ quyền lợi của khách hàng và góp phần ngăn chặn hành vi lừa đảo cũng như các cơn “sốt đất” xảy ra trong thời gian qua.
Bên cạnh đó, ông Châu cho rằng, chỉ một mình quy định giao dịch bất động sản hình thành trong tương lai như nhà ở, đất nền trong dự án… bắt buộc phải thông qua sàn giao dịch bất động sản cũng chưa đủ làm cho thị trường bất động sản trở nên minh bạch mà cần phối hợp nhiều quy định khác, tại các luật khác như Luật Đất đai, Luật Đầu tư… Nếu quy định “bắt buộc giao dịch bất động sản qua sàn giao dịch” thì sàn giao dịch từ thân phận của một người làm thuê, chỉ chuyên cung cấp dịch vụ cho bên bán và bên mua nhà đất, nay sàn giao dịch sẽ trở thành “ông vua” của thị trường bất động sản do được trao cho các quyền và lợi thế có tính “đặc quyền, đặc lợi”.
Luật sư Nguyễn Thanh Nhã, Văn phòng luật DBS cũng cho rằng, Dự thảo Luật đã quy định rõ trách nhiệm doanh nghiệp kinh doanh bất động sản phải công khai thông tin, cùng các quy định khác để bảo đảm tính công khai, minh bạch về thị trường, bảo đảm sự quản lý của Nhà nước.
Đối với những dự án bất động sản có đầy đủ cơ sở pháp lý, chủ đầu tư có đủ năng lực, uy tín thì việc giao dịch trực tiếp, không thông qua sàn giao dịch bất động sản vẫn diễn ra thuận lợi, ít rủi ro. Việc áp dụng quy định phải giao dịch qua sàn sẽ dễ tạo điều kiện lợi dụng quy định của pháp luật để độc quyền hoặc sàn giao dịch bất động sản câu kết với một trong các bên tham gia giao dịch, làm nhiễu loạn thị trường, không phản ánh đúng quan hệ cung cầu, giá cả.
- Sài Gòn Center và Ngân Hàng Vietinbank TP.HCM ký thoả thuận hợp tác cho khách hàng vay mua nhà dự án Green Valley City
- Một năm kinh tế nằm ngoài dự liệu của Fed
- Tín hiệu tích cực của thị trường bất động sản nhờ tháo gỡ các “nút thắt” lớn
- Chứng khoán nóng, nhiều cổ phiếu tăng giá hơn 20% trong một tuần
- Robot UAE sẽ thử nghiệm AI đầu tiên trên Mặt Trăng
- Bài toán mang công nghệ đường sắt tốc độ cao về Việt Nam
- Fed đón tin vui, lạm phát Mỹ chỉ còn 4%, thấp nhất trong 2 năm