Sáng 22-3, gần 100 doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng và ngân hàng đã tham gia Hội nghị kết nối ngân hàng – doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Dương năm 2023 do UBND tỉnh phối hợp với Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh tỉnh tổ chức.
Ông Nguyễn Văn Dành – Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị.
Hội nghị nhằm tạo điều kiện giúp các doanh nghiệp kết nối với các ngân hàng để tiếp cận nguồn vốn đầu tư tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội.
Khó tiếp cận vốn vay
Thời gian qua, NHNN đã triển khai nhiều giải pháp để hỗ trợ khơi thông, hướng dòng vốn tín dụng vào các lĩnh vực ưu tiên, tín dụng đối với doanh nghiệp (DN) đã đạt được những kết quả tích cực, quy mô vốn tín dụng ngày càng lớn. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc khiến DN khó tiếp cận vốn vay nhất là trong bối cảnh hoạt động sản xuất kinh doanh của một số DN đang gặp khó khăn do ảnh hưởng của diễn biến thị trường thế giới.
Bà Trương Thị Thúy Liên – Phó Chủ tịch Hiệp hội Da giày tỉnh Bình Dương cho biết, các DN khó tiếp cận vốn ngân hàng vì phải có tài sản thế chấp, trong khi đó DN vừa và nhỏ hoạt động phải đi thuê nhà xưởng thì không thể có tài sản thế chấp, chỉ có hình thức tín chấp mới có thể giải quyết được nguồn vốn cho họ. Thế nhưng, để vay được tín chấp là một vấn đề nan giải. Bà Liên giải thích: “Giải quyết tín chấp phải có phương án kinh doanh tốt và hợp đồng kinh tế có hiệu quả cao thì ngân hàng mới thể cho vay được. Hiện nay với tình hình kinh tế hiện tại những phương án kinh doanh tốt rất khó thực hiện để đưa DN đến gần với ngân hàng”.
Từ ngày 15/3/2023, NHNN đã ban hành quyết định về điều chỉnh mức lãi suất điều hành giảm từ 0,5-1%. Điều này sẽ góp phần giảm lãi suất cho vay trong thời gian tới. Tuy nhiên, các DN cho rằng, gói vay ở các ngân hàng thương mại cổ phần hiện nay duy trì quá cao. Ông Nguyễn Khánh Toàn – Giám đốc Công ty điện Hoàng Ngân Phát cho rằng, NHNN đã có những nỗ lực nhất định hỗ trợ DN tháo gỡ khó khăn. Tuy nhiên, các động thái kéo giảm lãi suất vẫn chưa mang lại tác động tích cực. “Mặt bằng lãi suất hiện nay quá cao khiến DN khó giảm giá thành sản xuất, khó nâng cao năng lực cạnh tranh và mất đi nhiều cơ hội đầu tư” – ông Toàn nói.
Bên cạnh đó, việc tiếp cận khách hàng của ngân hàng vẫn còn đơn lẻ, chưa bám sát địa bàn, các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, DN, cơ sở sản xuất kinh doanh để tăng cường thông tin đối thoại trực tiếp giữa ngân hàng với khách hàng nhằm chia sẻ những khó khăn vướng mắc, tiếp cận tín dụng và hỗ trợ lãi suất cho khách hàng. Ông Trần Văn Trọng – Phó Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Việt Hương kiến nghị, ngân hàng cần tăng cường kết nối, chủ động làm việc với từng DN để chủ động dòng tiền và cơ cấu vốn kịp thời. DN có nguồn vốn sẽ có sức cạnh tranh tốt, hoạt động hiệu quả, tạo công ăn việc làm cho xã hội, tạo giá trị, tạo nhiều thu nhập, đóng thuế Nhà nước. Hệ thống ngân hàng cũng có lợi khi giảm nợ xấu, nâng cao chất lượng tín dụng.
Tăng cường kết nối ngân hàng – doanh nghiệp
Trước các khó khăn, vướng mắc và đề xuất của DN, đại diện các ngân hàng đã giải đáp cụ thể về thực hiện các chính sách hỗ trợ khách hàng. Các ngân hàng cho biết đang tìm cách tiếp cận DN, tìm hiểu khó khăn để đẩy mạnh cho vay, bởi từ đầu năm đến nay tín dụng tăng trưởng khá chậm.
Ông Võ Đình Phong – Giám đốc NHNN chi nhánh tỉnh Bình Dương cho biết, sẽ chỉ đạo các tổ chức tín dụng, ngân hàng tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn khách hàng về chương trình hỗ trợ lãi suất của Chính phủ; chủ động phối hợp tổ chức các hội nghị kết nối ngân hàng – DN; đẩy nhanh tiến độ thực hiện hỗ trợ lãi suất.
Đặc biệt, tăng cường bám sát, tiếp cận sâu khách hàng; hướng dẫn cụ thể các chính sách tháo gỡ khó khăn, các quy định pháp luật, quy định nội bộ; giải quyết kịp thời các phản ánh, khó khăn, vướng mắc của khách hàng. Những quy định của pháp luật, quy định nội bộ ngân hàng không phù hợp sẽ đề xuất kiến nghị giải quyết kịp thời.
Các ngân hàng sẽ tiếp tục công tác tuyên truyền tiếp thị, triển khai, đẩy mạnh các chính sách cho vay, gói sản phẩm cho vay, dịch vụ mới nhằm khôi phục sản xuất kinh doanh thương mại, dịch vụ. Đơn giản hóa quy trình, thủ tục nội bộ để tạo thuận lợi hơn cho DN trong tiếp cận tín dụng nhưng vẫn phải phù hợp quy định pháp luật và đảm bảo an toàn hoạt động của hệ thống.
NHNN chi nhánh tỉnh tăng cường kiểm tra, giám sát và xử lý các trường hợp các chi nhánh tổ chức tín dụng, ngân hàng nước ngoài tránh né, không thực hiện chính sách chung về tháo gỡ khó khăn. Mở đường dây nóng để lắng nghe, tổng hợp ý kiến chung của người dân, DN để xử lý kịp thời.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, ông Nguyễn Văn Dành ghi nhận những khó khăn trong sản xuất kinh doanh của DN do đứt gãy chuỗi cung ứng nguyên liệu, đầu ra. Bên cạnh đó, hệ thống ngân hàng cũng khó khăn vì nợ xấu. Trong tình hình diễn biến phức tạp, biến động khó lường như hiện nay, ngân hàng và DN phải đồng hành chia sẻ khó khăn với nhau. Cần phải tiếp tục có những hội nghị để ngân hàng – DN gặp gỡ, trao đổi nắm bắt thông tin, tìm những giải pháp khắc phục. Đối với các nội dung liên quan đến thể chế, chính sách tỉnh sẽ kiến nghị Trung ương, vấn đề cấp tỉnh sẽ xử lý một cách nhanh chóng.
Ông đề nghị NHNN chi nhánh Bình Dương chỉ đạo các ngân hàng thương mại thực hiện nghiêm các chỉ thị liên quan đến lĩnh vực ngân hàng để các chính sách hỗ trợ lãi suất để trở thành động lực, thúc đẩy sự phát triển của kinh tế. Các ngân hàng thương mại chủ động gặp gỡ DN để ghi nhận các khó khăn, vướng mắc, cùng nhau tháo gỡ. Cùng với đó, DN cũng phải nỗ lực “tự cứu mình”, tự cơ cấu lại tài chính, kinh doanh, thậm chí là chuyển đổi ngành nghề phù hợp.
Trên địa bàn tỉnh Bình Dương hiện có 79 tổ chức tín dụng (TCTD), ngân hàng. Năm 2022, tổng nguồn vốn huy động đạt hơn 276.000 tỷ đồng, tăng 3,53% so với năm 2021. Tổng dư nợ đạt 286.000 tỷ đồng, tăng 12,38% so với năm 2021. Nợ xấu kiểm soát 0,73% trên tổng dư nợ.
Riêng từ đầu năm 2023 đến nay, tổng nguồn vốn huy động của hệ thống TCTD đạt 270.000 tỷ đồng, giảm 2,2% so với đầu năm, tăng 0,37% so với cùng kỳ năm trước. Tổng dư nợ đạt 288.000 tỷ đồng, tăng 1,05% so với đầu năm, tăng 10,34% so với năm trước.
Nguồn vốn huy động giảm, tăng trưởng tín dụng tăng thấp cho thấy thị trường tiền tệ, tín dụng ở Bình Dương diễn biến phù hợp với diễn biến của cả nước khi tình hình xung đột giữa Nga – Ucraina vẫn còn, lạm phát ở các nước vẫn còn và ở Việt Nam cơ bản kiểm soát được nhưng vẫn không được chủ quan, mặc dù thị trường tiền tệ tạm thời ổn định, thanh khoản dồi dào. Đặc biệt, từ ngày 15/3/2023, NHNN Việt Nam đã giảm lãi suất điều hành để giảm lãi suất cho vay góp phần tháo gỡ khó khăn cho DN và nền kinh tế.
Mặt bằng lãi suất huy động và cho vay trên địa bàn hiện nay đã giảm. Lãi suất tiền gửi bằng VNĐ ở mức 0,1 – 0,5%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng; 4,9 – 5,8%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng; 5,8 – 7,2%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng; kỳ hạn từ 12 tháng trở lên ở mức 7,2%/năm. Lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VNĐ thuộc một số ngành, lĩnh vực ưu tiên ở mức 5,5%; lãi suất cho vay ngắn hạn VNĐ phổ biến ở mức 7,5-8,5%/năm; lãi suất cho vay trung, dài hạn VNĐ phổ biến ở mức 8,1-10,5%/năm. Lãi suất cho vay USD ngắn hạn phổ biến ở mức 3,7-5,7%/năm; trung và dài hạn mức 5,5-5,92%/năm. Lãi suất huy động USD ở mức 0%/năm đối với tiền gửi của tổ chức và dân cư.
Nguồn: https://rd.zapps.vn
- Sài Gòn Center và Ngân Hàng Vietinbank TP.HCM ký thoả thuận hợp tác cho khách hàng vay mua nhà dự án Green Valley City
- Một năm kinh tế nằm ngoài dự liệu của Fed
- Chứng khoán Mỹ đồng loạt xanh mướt, Dow Jones tăng 400 điểm sau khi FED dự kiến có 3 đợt cắt giảm lãi suất trong 2024
- Năm 2023, những trường hợp nào sẽ không được bồi thường khi thu hồi đất?
- Cổ phiếu ngân hàng chịu áp lực tứ bề
- Đề xuất cho phép doanh nghiệp bất động sản vay tiền để tái cấu trúc
- Tấn công Passive Online là dạng tấn công mật khẩu nào?