Nhiều công nhân mất tiền xin việc khi tin lời hứa “bao đậu phỏng vấn” vào các nhà máy có lương, chế độ tốt.
“Lương và điều kiện làm việc như vậy là quá tốt. Tôi tìm đến nộp hồ sơ liền”, nam công nhân 30 tuổi, nói. Tuy nhiên, sau mấy ngày chờ đợi anh vẫn không được gọi điện phỏng vấn. Sốt ruột, anh Tuyền tìm đến công ty hỏi thì được một bảo vệ trực cổng hướng dẫn lên mạng xã hội liên hệ với một tài khoản Facebook tên Phạm Thùy Trang để được hỗ trợ. Qua trao đổi, Trang nhận là nhân sự của Hyunjin Vina sẽ đảm bảo cho Tuyền và hai người thân của anh được nhận vào làm việc với chi phí “cà phê” một triệu đồng mỗi người.
Nam công nhân nói rằng vì nôn nóng muốn đi làm nên anh đã chuyển ba triệu đồng vào số tài khoản mà Trang đưa. Tuy nhiên, đã 10 ngày trôi qua, anh vẫn không được gọi đi làm, gọi lên công ty thì được biết không có ai tên Phạm Thùy Trang. Trang Facebook Phạm Thùy Trang cũng đã khóa, chặn mọi liên lạc.
“Thất nghiệp đã khổ lại còn bị lừa mất tiền”, anh Tuyền nói.
Tương tự, anh Hồ Hữu Dũng, quê Nghệ An thuê trọ ở quận 7 (TP HCM) bị lừa gần 50 triệu đồng khi tin lời hứa “bao đậu” vào một công ty ở đường 14 Khu chế xuất Tân Thuận.
Do các công ty ít tuyển nam, anh Dũng gặp khó khăn khi tìm việc. Sau mấy tháng đăng thông tin tìm việc vào các nhóm công nhân, trang tuyển dụng anh được một tài khoản Facebook liên hệ với lời hứa đảm bảo chắc suất đậu phỏng vấn, lương 9-13 triệu đồng mỗi tháng, bao ăn ở, bảo hiểm xã hội đóng đầy đủ.
Trước ngày hẹn phỏng vấn, tài khoản nhận là nhân sự của công ty cho biết anh phải nộp trước chi phí để làm hồ sơ bảo hiểm. “Ban đầu là vài triệu, sau cứ tăng dần lên và không hiểu sao mình cứ chuyển”, anh Dũng nói. Chuyển tiền xong, phía bên kia thông báo công ty không tuyển nữa sau đó chặn liên lạc, tài khoản Facebook cũng khóa.
Anh Phạm Thiều, quản trị viên nhóm Khu chế xuất Tân Thuận với hơn 36.000 thành viên, cho biết sau Tết, có ngày nhóm nhận được hàng chục tin nhắn của công nhân cung cấp thông tin về việc bị mất tiền khi đi xin việc nhưng không được các công ty nhận. Các hình thức chủ yếu đặt cọc để nhận hàng về nhà làm, tuyển dụng nhưng yêu cầu công nhân nộp tiền để giữ chân, mua đồng phục, cũng có trường hợp cá biệt bị lừa vài chục triệu đồng.
“Thực tế không có việc hoặc chỉ cho người lao động đi lòng vòng, giới thiệu các công việc nặng nhọc, lương thấp, người lao động nản rồi bỏ”, anh Thiều nói. Do số tiền lừa không nhiều, từ vài trăm đến một triệu đồng nên người lao động chỉ ấm ức rồi bỏ qua chứ không tố cáo đến cơ quan chức năng.
Bà Nguyễn Thị Thùy Trang, phụ trách tuyển dụng của Công ty TNHH Hyunjin Vina, cho biết nhiều ngày qua rất nhiều lao động gọi đến số tổng đài của nhà máy với nhiều lời lẽ khá nặng nề, truy hỏi vì sao đã nhận “tiền cà phê” nhưng họ không được nhận việc. Chưa kể, những mẫu tuyển dụng của công ty khi đưa lên các trang tuyển dụng đề bị công nhân vào để lại bình luận tiêu cực.
Theo bà Trang, do các mẫu tuyển dụng của công ty đều ghi thông tin liên hệ là Ms.Trang nên khi người lao động dễ bị lừa khi tài khoản Facebook, Zalo tên Trang hứa “bao đậu phỏng vấn”. Tuy nhiên, khi công ty đề nghị cung cấp thông tin đầy đủ để phối hợp tố cáo ra cơ quan chức năng thì người lao động lại từ chối vì không muốn rắc rối “bị mời lên mời xuống”.
Quy trình tuyển dụng ở Hyunjin Vina là bảo vệ nhận hồ sơ, nhân sự lên danh sách, lãnh đạo bộ phận phỏng vấn trực tiếp, đạt yêu cầu sẽ nhận. Do đó, tất cả những cam kết “bao đậu” là mạo danh, người lao động không nên tin để tránh mất tiền.
Ông Phạm Văn Tuyên, Phó giám đốc sở Lao động, Thương binh và Xã hội Bình Dương, cho biết trước và sau Tết nhiều nhà máy giảm, hết đơn hàng nên công nhân mất, thiếu việc, tuyển dụng mới cũng ít chỉ tiêu hơn so với cùng kỳ. Hiện, cung lao động đang vượt nhu cầu của các doanh nghiệp. Người lao động khó tìm được việc làm ưng ý hơn so với trước.
“Có thể lợi dụng tình hình này, một số người đã mạo danh nhân sự lừa tiền lao động tìm việc, chủ yếu hứa nhận vào các công ty có lương, phúc lợi tốt, môi trường làm việc máy lạnh”, ông Tuyên nói. Số tiền bị mất ít, chỉ từ vài trăm đến 1-2 triệu đồng, người lao động bỏ qua, không tố cáo đến cơ quan chức năng vì sợ rắc rối. Điều này khiến cho những người lừa tìm việc có đất sống, lừa nhiều người. Vì vậy lao động cần mạnh dạn tố cáo, gửi bằng chứng đến cơ quan công an gần nhất để được hỗ trợ.
Theo ông Tuyên, pháp luật quy định nhà tuyển dụng, đơn vị cung ứng nhân lực không được phép thu bất kỳ khoản tiền nào của người tìm việc. Công nhân tìm việc cần đến trung tâm dịch vụ việc làm của tỉnh, huyện, thị xã để được giới thiệu hoặc tới công ty nộp hồ sơ, gọi điện vào tổng đài doanh nghiệp để được tư vấn.
“Việc trúng tuyển vào một vị trí nào đó còn tùy thuộc vào sức khỏe, trình độ, tay nghề, không nên tin ‘bao đậu’ để mất tiền oan”, ông Tuyên khuyến cáo.
Theo: https://vnexpress.net/cong-nhan-mat-tien-khi-xin-viec-bao-dau-4569254.html
- Sài Gòn Center và Ngân Hàng Vietinbank TP.HCM ký thoả thuận hợp tác cho khách hàng vay mua nhà dự án Green Valley City
- Một năm kinh tế nằm ngoài dự liệu của Fed
- Phản hồi nghi vấn rao bán dữ liệu của 30 triệu hồ sơ người dùng thu thập từ website về giáo dục
- Bé 2 tuổi vỡ thành mạch vì bị cô giáo tát liên tiếp
- Khánh thành cầu vượt giữa Bình Dương và Tây Ninh
- Bỏ khung giá đất, định giá đất thế nào?
- 8,88 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam trong 4 tháng