Bộ Công Thương vừa đưa dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều nghị định 95/2021 và nghị định 83/2013 về kinh doanh xăng dầu để lấy ý kiến. Một điểm đang gây nhiều chú ý tại dự thảo này là Bộ Công Thương đề xuất trao lại quyền điều hành giá xăng dầu về Bộ Tài chính.
Theo Bộ Công Thương, mặt hàng xăng dầu hiện có nhiều bộ, ngành cùng thực hiện công tác quản lý nhà nước. Trong đó, Bộ Tài chính chịu trách nhiệm thực hiện chức năng quản lý nhà nước trong lĩnh vực giá; Bộ Khoa học và công nghệ quản lý nhà nước về xăng dầu trong lĩnh vực chất lượng, đo lường; Bộ Công an quản lý nhà nước về lĩnh vực phòng cháy chữa cháy…
Ngoài ra, liên quan đến lĩnh vực hải quan thuộc chức năng nhiệm vụ của Bộ Tài chính; lĩnh vực bảo vệ môi trưởng do Bộ Tài nguyên Môi trường quản lý; vấn đề kiểm soát buôn lậu thuộc chức năng nhiệm vụ của Ban chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban chỉ đạo 389)…
“Như vậy, mặt hàng xăng dầu hiện chịu sự quản lý và điều chỉnh của nhiều văn bản quy phạm pháp luật và nhiều bộ, ngành khác nhau. Do đó, theo ý kiến của Bộ Công Thương, việc quản lý nhà nước đối với mặt hàng xăng dầu cần có sự tham gia, phối hợp của các bộ, ngành chức năng theo từng lĩnh vực quản lý”, văn bản của Bộ Công Thương nêu.
Từ đó, Bộ Công Thương cho rằng nếu giữ nguyên các quy định hiện hành về chức năng nhiệm vụ của các bộ, ngành trong phân công công tác quản lý nhà nước đối với mặt hàng xăng dầu thì việc phân công phối hợp đã được thực hiện từ nhiều năm và phù hợp với chuyên môn nghiệp vụ, chức năng, nhiệm vụ của từng bộ, ngành. Trong công tác điều hành giá xăng dầu, Bộ Tài chính rà soát và hướng dẫn việc xác định các chi phí để công bố cho Bộ Công Thương tính toán giá cơ sở mặt hàng xăng dầu nhằm bảo đảm có sự giám sát, kiểm tra các chi phi một cách chính xác, khách quan, minh bạch, đúng chuyên môn nghiệp vụ. Tuy vậy, phương án này có nhược điểm là khi có vấn đề phát sinh cần có sự phối hợp giữa các bộ, ngành để cùng xử lý.
Để hạn chế nhược điểm này, Bộ Công Thương đề xuất phương án đưa về một đầu mối là Bộ Tài chính thực hiện theo đúng chuyên môn nghiệp vụ và chức năng nhiệm vụ. Các bộ, ngành khác trong đó có Bộ Công Thương theo chức năng nhiệm vụ được giao, thực hiện công tác quản lý nhà nước đối với mặt hàng xăng dầu theo quy định.
Ưu điểm của phương án này là bảo đảm việc phân công công tác quản lý nhà nước về xăng dầu thực hiện theo đúng chức năng nhiệm vụ của các bộ, ngành. Bộ Tài chính có chuyên môn nghiệp vụ về lĩnh vực tài chính sẽ thực hiện chính xác công tác tính toán, hướng dẫn và công bố giá điều hành đối với mặt hàng xăng dầu.
Tuy vậy, nếu thực hiện phương án này, việc điều hành giá xăng dầu tách xa việc điều hành cung cầu xăng dầu nên sẽ có những bất ổn khi lợi ích giữa các chủ thể trên thị trường xăng dầu không được hài hòa; không có sự độc lập khách quan trọng việc xác định, phản ảnh các chi phí kinh doanh xăng dầu để bảo đảm tính công khai minh bạch, chính xác trong giả cơ sở mặt hàng xăng dầu.
Ngoài hai phương án trên, Bộ Công Thương cũng đề xuất thêm phương án đưa về đầu mối là Bộ Công Thương. Các bộ, ngành khác theo chức năng nhiệm vụ được giao, thực hiện công tác quản lý nhà nước đối với mặt hàng xăng dầu theo quy định. Phương án này giúp thống nhất đầu mối quản lý về giá và cung cầu mặt hàng xăng dầu về một cơ quan. Tuy nhiên, lại không bảo đảm sự phù hợp, thống nhất trong việc phân công. thực hiện nhiệm vụ theo chuyên môn, nghiệp vụ giữa các bộ, ngành hiện nay, dẫn tới sự chồng chéo trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ giữa các cơ quan, đồng thời có thể làm phát sinh thêm tổ chức bộ máy, biên chế để thực hiện nhiệm vụ
“Bộ Công Thương lựa chọn phương án 2, theo đó giao toàn bộ việc điều hành giá xăng dầu và tính toán các chi phí kinh doanh xăng dầu cho Bộ Tài chính chủ trị thực hiện. Bộ Công Thương sẽ phối hợp theo chức năng nhiệm vụ được giao”, Bộ Công Thương cho biết.
Đáng chú ý, trước đó, Bộ Tài chính cho biết sẽ đề xuất chuyển quyền quản lý xăng dầu về một đầu mối thống nhất là Bộ Công Thương, gồm việc điều hành giá, chi phí kinh doanh định mức… Việc này sẽ đảm bảo nguồn cung thuận lợi hơn. Nhiều đại biểu Quốc hội cũng đồng tình, cho rằng hợp lý nếu một đầu mối điều hành xăng dầu là Bộ Công Thương.
Trả lời VTC News, PGS.TS Ngô Trí Long, nguyên viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính), cho rằng việc Bộ Công Thương đề xuất đưa quản lý xăng dầu sang Bộ Tài chính là không phù hợp và có phần “né tránh trách nhiệm”. Theo ông Long, Bộ Tài chính chủ yếu có nhiệm vụ quản lý về thuế, phí, cách tính giá… chứ không quản lý về thị trường, cung cầu… nên nếu giao hết về Bộ Tài chính là không phù hợp.
- Sài Gòn Center và Ngân Hàng Vietinbank TP.HCM ký thoả thuận hợp tác cho khách hàng vay mua nhà dự án Green Valley City
- Một năm kinh tế nằm ngoài dự liệu của Fed
- 4 loại báo cáo tài chính [Chi tiết 2023]
- Bí thư Hà Nội: Cấm xác nhận giao dịch dự án dọc tuyến vành đai 4
- Cổ phiếu cần quan tâm ngày 25/3
- Bất động sản vượt “bão” khủng hoảng
- Vì sao lãi suất ‘thủng đáy’ nhưng tiền gửi vẫn tăng kỷ lục?