Khoản tiền 1 triệu tỉ đồng của ngân quỹ còn tồn gửi ngân hàng được Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc khẳng định là khoản đã phân bổ nhưng chưa sử dụng, nên sẽ không dùng chi cho việc khác.
Tiếp tục thảo luận kinh tế – xã hội ngày 1-6, đại biểu Quảng Trị Hà Sỹ Đồng nêu lại vấn đề sử dụng 1 triệu tỉ đồng tiền ngân quỹ đang tồn đọng và phải đi gửi ngân hàng, để tranh luận với ý kiến của đại biểu Trần Anh Tuấn (TP.HCM) ngày hôm qua.
Tiền phải vào đúng địa chỉ
Đại biểu Tuấn đề xuất linh hoạt bố trí số tiền này để hỗ trợ ngay cho người lao động, người mất việc; hoặc xây nhà ở, đào tạo, chuyển nghề cho công nhân, để kích cầu ngay cho nền kinh tế.
Đồng tình với quan điểm cần linh hoạt nguồn vốn này, ông Đồng cho rằng linh hoạt ở đây là phối hợp chính sách tiền tệ và tài khóa, tháo gỡ thủ tục hành chính để “đưa tiền vào đúng địa chỉ”.
Cụ thể là đưa tiền vào những công trình quan trọng, tạo sức bật cho nền kinh tế. Đó là những công trình đã và đang được chuẩn bị đầu tư, cần nguồn vốn, “tránh sự lãng phí này sẽ sinh ra sự lãng phí khác”.
“Cơ chế hiện hành cho phép Kho bạc Nhà nước được tối ưu hóa nguồn vốn tạm thời nhàn rỗi. Song câu hỏi đặt ra là liệu chính sách tài khóa có thực sự phối hợp tốt với chính sách tiền tệ trong việc thực hiện mục tiêu ưu tiên hiện nay là giảm mặt bằng lãi suất? Tôi mong Chính phủ có câu trả lời thỏa đáng để gỡ khó cho nền kinh tế”, ông Đồng đề nghị.
Giải trình cuối phiên họp về việc này, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc thông tin trong tổng tiền tồn dư ngân quỹ nói trên, có 895.000 tỉ đồng gửi Ngân hàng Nhà nước, lãi suất 0,8%/năm; 130.000 tỉ đồng gửi ngắn hạn tại ngân hàng thương mại.
Tuy vậy, theo bộ trưởng, đây là nguồn vốn nhàn rỗi tạm thời, đã có trong dự toán được Quốc hội phê chuẩn cho các dự án đầu tư công, chương trình mục tiêu quốc gia.
“Số tiền này đã có kế hoạch chi cho các dự án. Việc tồn dư là do chưa sử dụng, chưa giải ngân hết chứ không phải để dành chi, phân bổ vào việc khác”, ông nói.
Sửa quy định bảo hiểm nhân thọ để quản chặt hơn
Liên quan hoạt động kinh doanh bảo hiểm nhân thọ, ông Phớc thừa nhận có những tồn tại như liên kết ngân hàng thương mại và công ty bảo hiểm để bán bảo hiểm cho khách hàng thông qua giới thiệu để hưởng hoa hồng. Hợp đồng bảo hiểm dài, chưa rõ ràng, người mua đọc không kỹ nên thua thiệt.
“Bộ Tài chính đang phối hợp với Ngân hàng Nhà nước xử lý nghiêm những ngân hàng và công ty bảo hiểm vi phạm”, ông Phớc khẳng định và cho biết thêm bộ đang xây dựng quy định để thực hiện nghiêm pháp luật về kinh doanh bảo hiểm.
Trong đó tập trung vào nguyên tắc cung cấp các sản phẩm bảo hiểm; hợp đồng bảo hiểm rõ ràng hơn, ngắn hơn, trọng tâm hơn, làm rõ quyền lợi, thời hạn và nghĩa vụ của các bên. Đồng thời, chính sách sẽ quy định rõ định mức tối đa chi thưởng đại lý; thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm…
Nguồn: https://tuoitre.vn
- Sài Gòn Center và Ngân Hàng Vietinbank TP.HCM ký thoả thuận hợp tác cho khách hàng vay mua nhà dự án Green Valley City
- Một năm kinh tế nằm ngoài dự liệu của Fed
- Hàng trăm triệu USD vốn ngoại chờ đổ vào BĐS Việt Nam
- Cổ phiếu tài chính, thép, bất động sản tiếp tục tỏa sáng
- ĐỘC LẠ BÌNH DƯƠNG – TỈNH THÀNH SỞ HỮU 5 THÀNH PHỐ
- Việt Nam giành 7 huy chương tại Olympic Tin học Châu Á – Thái Bình Dương
- Chuyên gia nói gì về thuốc chữa khỏi 100% bệnh ung thư?